Các nguồn tin cho biết, các binh sĩ, đi trên khoảng 10 xe quân sự của cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã di chuyển tới khu vực phía Đông Derbassiyé để tuần tra trên một dải biên giới dài hàng chục km. Trong một thông cáo, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận, những cuộc tuần tra chung đầu tiên giữa Nga và  Thổ, với sự tham gia của các đơn vị bộ binh và không quân đang diễn ra ở Đông Bắc Syria, phù hợp với thỏa thuận Sochi.

Cùng ngày, trên trang mạng Twitter, Bộ này thông báo, một cuộc họp với phái đoàn quân sự Nga đã được lên kế hoạch tại Ankara để thảo luận về các vấn đề chiến thuật và kỹ thuật.

tuan_tra_chung_psbi.jpg
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tuần tra chung ở miền Bắc Syria. Ảnh: AP

Thổ Nhĩ Kỳ muốn triển khai một vùng an toàn sâu 30km trong lãnh thổ Syria nhằm đẩy lực lượng Các Đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd, mà nước này coi là khủng bố ra xa khỏi khu vực biên giới.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết: “Chúng tôi sẽ triển khai tuần tra chung với Nga. Nếu phát hiện bất kỳ lực lượng người Kurd nào trong khu vực biên giới 30km hay xảy ra bất kỳ vụ tấn công nào, chúng tôi sẽ nối lại các hoạt động của mình. Đây là một cuộc đấu tranh lâu dài cho đến khi không còn kẻ khủng bố nào có thể đe dọa an ninh Thổ Nhĩ Kỳ.”

Thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga, cùng với một thỏa thuận khác đạt được với Mỹ hôm 17/10 cho phép chấm dứt chiến dịch quân sự quy mô của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào các lực lượng người Kurd, đã làm hàng trăm người chết và khiến hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa. Với chiến dịch này, Thổ Nhĩ Kỳ đã có thể mở rộng sự hiện diện ở khu vực phía Đông sông Euphrates, kiểm soát một dải biên giới dài 120km giữa các thị trấn Tal Abyad và Ras al- Ain. Tuy nhiên, việc quân đội Syria triển khai tới biên giới phía Đông theo lời kêu gọi của lực lượng người Kurd đã ngăn cản Thổ Nhĩ kỳ thực hiện kế hoạch mở rộng khu vực kiểm soát tới tận biên giới Iraq.

Cách không xa khu vực mà quân đội Nga- Thổ tuần tra, chỉ khoảng 100km về phía Đông, một đoàn quân sự Mỹ gồm 5 xe bọc thép giữa tuần này cũng đã bắt đầu tuần tra tại khu vực biên giới phía Bắc ngôi làng Al Qahtaniyah. Theo Tổ chức theo dõi nhân quyền Syria, các lực lượng Mỹ muốn duy trì sự hiện diện tại khu vực này để ngăn cản Nga và chính quyền Syria tiếp cận các mỏ dầu ở phía Đông thị trấn Qamichli.

Hôm 7/10 vừa qua, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh rút quân đội  Mỹ khỏi miền Bắc Syria, động thái bị người Kurd chỉ trích là quay lưng đối với đồng minh trong cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khi góp phần mở đường cho chiến dịch của Thổ Nhỹ Kỳ.

Việc Mỹ sau đó tiếp tục triển khai lực lượng, thực hiện phối hợp với nhóm nổi dậy Các Lực lượng dân chủ Syria, mà nòng cốt là Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd được coi là một động thái nhằm sửa chữa quyết định rút quân trước đó, song phần nào lại làm phức tạp hơn tình hình tại khu vực, nơi cuộc chiến đã quá phức tạp với sự can dự của nhiều tác nhân khu vực và quốc tế.

Theo một người phát ngôn Liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu nước này đang rút lực lượng khỏi miền Bắc Syria và tái bố trí tới khu vực gần biên giới Iraq. Ông này cũng nhấn mạnh, các chiến dịch quân sự của liên quân không xung đột với các lực lượng khác đang hoạt động tại khu vực./.