Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30/8 có cuộc điện đàm với Quốc vương Saudi Arabia Salman, trong đó hối thúc các bên liên quan đến tranh cãi ngoại giao với Qatar tìm một giải pháp ngoại giao để chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay.

lavrov_eiyd.jpg
Ngày 30/8, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gặp người đồng cấp Qatar Sheik Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani tại thủ đô Doha, khẳng định Moscow sẵn sàng làm trung gian hòa giải cuộc khủng hoảng vùng Vịnh. (Ảnh: Reuters)

Chính quyền Tổng thống Donald Trump ra thông báo nêu rõ, nhà lãnh đạo Mỹ kêu gọi các bên tìm ra giải pháp dựa trên những cam kết đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia hồi tháng 5 vừa qua, để duy trì sự đoàn kết khi phải đương đầu với chủ nghĩa khủng bố.

Trong cuộc điện đàm, hai bên cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đánh bại khủng bố, cắt giảm tài trợ cho khủng bố và chống lại hệ tư tưởng cực đoan.

Cuộc điện đàm này diễn ra sau khi Ngoại trưởng Qatar tuyên bố nước này sẵn sàng đàm phán để chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao, tuy nhiên không có dấu hiệu nào cho thấy Saudi Arabia và các quốc gia đồng minh muốn hòa giải.

Trong khi đó, tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Qatar Sheik Mohammed bin Abdulrahman Al-Thani tại thủ đô Doha, Qatar ngày 30/8, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định Moscow sẵn sàng làm trung gian hòa giải cuộc khủng hoảng vùng Vịnh.

Ngoại trưởng Nga kêu gọi tất cả các bên cần làm việc với quốc gia trung gian hòa giải là Kuwait để tìm kiếm một giải pháp. Ông cũng nhấn mạnh, một Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) mạnh mẽ và đoàn kết có vai trò quan trọng nhằm giải quyết các vấn đề lớn trong khu vực.

“Chúng tôi tái khẳng định ủng hộ nhiệm vụ hòa giải căng thẳng vùng Vịnh”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết. “Nếu các bên cho rằng, điều này là cần thiết, chúng tôi sẵn sàng đóng góp công sức. Như tôi đã nói với Kuwait, chúng tôi luôn mong muốn Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh đoàn kết, mạnh mẽ và duy trì quan điểm giải quyết các vấn đề khu vực”.

Đáp lại Ngoại trưởng Qatar đã nói rằng, Qatar sẵn sàng đàm phán nhằm chấm dứt những căng thẳng khu vực. Tuy nhiên, đến nay, Qatar vẫn chưa thấy bất cứ dấu hiệu nào cho thấy, Saudi Arabia và các quốc gia khác trong khu vực để ngỏ khả năng hòa giải với nước này.

Một loạt quốc gia Arab do Saudi Arabia đứng đầu ngày 5/6 đã quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao và phong tỏa Qatar cả về đường không, đường bộ và đường biển, với cáo buộc Qatar ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và thực thi các chính sách gây bất ổn trong khu vực.

Nhóm bốn nước Arab gồm Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và Bahrain sau đó đã đưa ra bản yêu sách gồm 13 điểm đối với Qatar, trong đó có việc yêu cầu quốc gia nhỏ bé ở vùng Vịnh này đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera, ngừng hỗ trợ các nhóm khủng bố và cực đoan, hạ cấp quan hệ với Iran và chấm dứt sự hiện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar.

Tuy nhiên, Qatar đã từ chối thực thi bản yêu sách này, cho rằng yêu cầu của các nước Arab vi phạm chủ quyền của Qatar. Xung đột ngoại giao tới nay vẫn chưa có lối thoát sau hai tháng rưỡi bùng phát, trong bối cảnh các bên không chịu thỏa hiệp hay nhượng bộ./.