Đây là lần đầu tiên giới thiên văn xác nhận một hiện tượng như vậy. Hành tinh này được đặt tên Kepler-16b theo tên kính viễn vọng Kepler của NASA, và được cho là một hành tinh khí khổng lồ và lạnh lẽo, không thích hợp cho sự sống (giống sao Thổ). Nó nằm cách Trái đất khoảng 200 năm ánh sáng.

Các nhà khoa học cho biết hai mặt trời của Kepler-16b nhỏ hơn Mặt trời của chúng ta, chúng chỉ bằng 69% và 20% khối lượng Mặt trời. Nhiệt độ bề mặt của nó khá thấp, ước tính khoảng -73 đến -101 độ C.

Mặc dù từng có những nghi ngờ trong quá khứ rằng các hành tinh xoay quanh 2 ngôi sao có thể tồn tại nhưng các nhà khoa học cho biết đây là xác nhận đầu tiên về sự tồn tại của một hành tinh như vậy.

Do quay quanh hai mặt trời nên khi ban ngày kết thúc, Kepler-16b sẽ có hai lần mặt trời lặn.

Kính viễn vọng Kepler được phóng lên năm 2009 với thiết kế để tìm kiếm các hành tinh như trái đất quay quanh quỹ đạo của các ngôi sao trên dải Ngân hà./.