Cuối năm 2011, tất cả binh sĩ Mỹ đã chính thức rút khỏi Iraq theo thỏa thuận an ninh song phương được hai nước ký kết vào năm 2008. Thoả thuận đạt được sau 9 năm Mỹ tiến hành chiếm đóng Iraq với mục tiêu lật đổ chính quyền của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein.

Washington cũng tuyên bố rằng, sự hiện diện của binh lính Mỹ tại Iraq hiện chỉ còn lại là 157 người, với nhiệm vụ là huấn luyện tại Đại sứ quán Mỹ và cùng với đội ngũ thủy quân lục chiến quy mô nhỏ có nhiệm vụ bảo vệ cơ quan ngoại giao.

 ban-do.jpg
Mỹ được cho là đang bí mật triển khai quân tới Iraq thông qua Kuwait để can thiệp vào Syria (Ảnh: Worldatlas)

Tuy nhiên, điều mà dư luận đang quan tâm là mới đây, báo chí Iran đưa tin, chính quyền Mỹ vừa bí mật đưa hơn 3.000 binh lính quay trở lại Iraq thông qua Kuwait.

Kênh truyền hình Press TV dẫn thông tin từ Iran cho biết, quân đội Mỹ sẽ ở lại Iraq theo nhiều giai đoạn và chủ yếu đóng quân tại căn cứ quân sự Balad thuộc tỉnh Salahuddin và al-Asad ở tỉnh al-Anbar.

Báo chí Iran cũng cho biết, gần 17.000 tướng lĩnh và sĩ quan quân đội Mỹ đang tập trung ở Kuwait để chuyển tiếp tới Iraq.

Lấy cớ về kho vũ khí hoá học để can thiệp vào Syria

Mặc dù Chính quyền Mỹ chưa đưa ra phản ứng nào trước thông tin trên nhưng theo báo chí Iran, động thái bí mật đưa quân trở lại Iraq của Mỹ được cho là để đối phó với cuộc nội chiến ở Syria dường như đang mất tầm kiểm soát.

Năm 2003, Mỹ mở chiến dịch xâm lược Iraq với lý do chế độ của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein sở hữu và sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Báo chí Iran cho rằng, nhiều khả năng Mỹ cũng lặp lại kịch bản như Iraq, lấy cớ Syria có thể sử dụng vũ khí hoá học, để thực hiện tấn công nước này. Bởi mới đây, cơ quan Tình báo Mỹ cho biết, Chính phủ của Tổng thống Bashar al- Assad có dấu hiệu đang trang bị vũ khí có chứa chất độc hoá học để chống lại quân nổi dậy.

Các quan chức Mỹ đang rất lo ngại rằng, trong số quân nổi dậy tại Syria có nhóm phần từ Jihah sẽ nắm bắt được vũ khí hoá học. Còn về phía Israel và các nước phương Tây khác lo ngại, nhóm Hồi giáo Hezbollah- một đồng minh của Iran và là kẻ thù của Israel khả năng cũng có trong tay loại vũ khí hoá học khi mà Chính phủ Syria mất tầm kiểm soát kho vũ khí gây chết người này.

Cuộc khủng hoảng tại Syria đang ngày càng trầm trọng và vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Theo ước tính của Tổ chức Theo dõi nhân quyền Syria, hiện có hơn 40.000 người đã bị thiệt mạng trong cuộc nội chiến ở nước này kể từ tháng 3/2011 đến nay và bất ổn ở Syria có nguy cơ lan sang các nước láng giềng ở khu vực Trung Đông.

 
 Mỹ đã bí mật đưa quân trở lại Iraq để chuẩn bị đối phó Syria (Ảnh: AK NEWS)

Lấy cái cớ Chính phủ Syria có thể sử dụng kho vũ khí hoá học, tuần trước, cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton đã lên tiếng cảnh báo có thể ra lệnh tấn công phủ đầu Syria.

Ngoại trưởng Hillary Clinton cho rằng, nếu Syria sử dụng vũ khí hóa học tức là đã chạm đến “giới hạn giới đỏ” đối với Mỹ.

Phản ứng lại những cáo buộc của Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Syria Faisal al-Maqdad cho rằng, những cáo buộc của Mỹ về việc Syria sử dụng hoặc có thể mất sự kiểm soát kho vũ khí hoá học chỉ là cái cớ để Mỹ và đồng minh thực hiện cuộc tấn công chiếm đóng Syria.

Đạn đã lên nòng…

Hãng tin RT của Nga trích dẫn một báo cáo bí mật của Mỹ được đăng trên tờ tin tức Australia cho biết, tàu sân bay USS Eisenhower của Mỹ được trang bị 8 máy bay ném bom, với 8.000 binh lính, trong khi tàu USS Iwo Jima được thiết kế để chuyên chở 2.500 thuỷ quân lực chiến Mỹ đang tiếp cận ở vùng biển Syria.

Việc Mỹ lên kế hoạch tấn công Syria là có cơ sở bởi mới đây, ngày 11/12, Tổng thống Barack Obama chính thức công nhận Liên minh đối lập Syria là “đại diện hợp pháp” của người dân.

Sự công nhận của Mỹ diễn ra sau khi Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vinh (GCC) đã công nhận Liên minh đối lập Syria.

Tuy không đề cập đến việc Mỹ sẽ cung cấp vũ khí cho Liên minh đối lập Syria nhưng việc Mỹ cùng các nước đồng minh công nhận Liên minh này đang là một đòn giáng mạnh vào chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Sự việc này cho thấy, Mỹ và đồng minh đang đặt niềm tin, sự kỳ vọng vào chiến thắng của Liên minh đối lập trong cuộc chiến với quân đội Syria.

Hãng Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, sự công nhận của Washington cho thấy, Mỹ đã quyết định “đặt cược tất cả” vào chiến thắng vũ trang của Liên minh đối lập.

Tuyên bố của Mỹ và đồng minh đưa ra cũng trong bối cảnh Nội các của Đức vừa chấp thuận cho việc nước này triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot ở gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Đây là động thái mở đường cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai quân và áp đặt một vùng cấm bay ở Syria nhằm bảo vệ lực lượng Liên minh đối lập ở Syria tránh các cuộc bắn phá từ phía quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad.

Với những tuyên bố, động thái của Mỹ và đồng minh đang chuẩn bị cho thấy, có thể bất chấp sự bác bỏ của một vài thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, một cuộc can thiệp quân sự sâu rộng vào Syria có thể xảy ra trong tương lai gần./.