Như vậy, ngày 20/1 tới là thời điểm chính thức khởi động thỏa thuận hạt nhân tạm thời giữa Nhóm P5+1 với Iran, kéo dài 6 tháng và được công bố lần đầu vào tháng 11 năm ngoái.

Trong tuyên bố phát đi ngày 12/1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh, tính từ thời điểm đó, lần đầu tiên trong xấp xỉ một thập kỷ, các thành tố trong chương trình hạt nhân của Tehran sẽ bị thu gọn.

Những bước tiến quan trọng này sẽ được thực thi trong khi các bên liên quan bắt đầu đàm phán về một thỏa thuận hoàn chỉnh, nhằm giải quyết những quan ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân của Tehran.

urani_copy.jpg
Một cơ sở làm giàu uranium tại Iran (Ảnh AFP)

Truyền thông nhà nước Iran dẫn lời giới chức nước này cũng đã khẳng định thời điểm bắt đầu thực hiện thỏa thuận tạm thời. Hãng thông tấn IRNA dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi, nói rằng Tehran sẽ ngừng làm giàu uranium ở cấp độ 20%.

Phát biểu tại buổi họp báo ở thủ đô Tehran, Araqchi khẳng định: “Sự đồng thuận này đạt được trong cuộc tiếp xúc giữa cá nhân tôi và bà Ashton. Chúng tôi đã nhất trí bước đi đầu tiên của thỏa thuận tạm thời sẽ được thực hiện vào ngày 20/1 tới”.

Theo thỏa thuận tạm thời, Iran đồng ý bắt đầu loại bỏ kho uranium đã được làm giàu ở mức độ cao, tháo dỡ một số cơ sở vật chất mà có thể dùng để làm giàu uranium ở cấp độ cao hơn, và không khởi động các máy li tâm bổ sung.

Đại diện của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng sẽ giám sát các cơ sở hạt nhân của Iran và đảm bảo Tehran thực thi những bước tiến cần thiết như một phần của thỏa thuận.

Đổi lại, một số biện pháp trừng phạt quốc tế chống Iran sẽ được nới lỏng, như điều mà Nhà Trắng gọi là “sự giảm nhẹ khiêm tốn”. Tuy nhiên, một nhóm các nghị sỹ cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ lại đang thúc đẩy kế hoạch thắt chặt, thay vì nới lỏng các biện pháp trừng phạt chống Iran.

Trước tình hình đó, cùng ngày, Tổng thống Barack Obama tuyên bố ông đang đẩy lùi kế hoạch của nhóm nghị sỹ hai đảng. Trong một tuyên bố bằng văn bản đề ngày 12/1, ông Obama cảnh báo, việc áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung lúc này sẽ chỉ có nguy cơ phá hoại các nỗ lực để giải quyết vấn đề một cách hòa bình.

Đồng thời, Tổng thống Obama khẳng định sẽ phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Iran, trong thời gian diễn ra các cuộc đàm phán hiệp định hoàn chỉnh.

Các nghị sỹ Iran cũng đã nhiều lần đe dọa thúc đẩy làm giàu uranium ở cấp độ cao hơn nếu Mỹ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt chống Tehran./.