ABC News dẫn nguồn tin từ Air France cho biết, chiếc máy bay không gặp bất cứ nguy hiểm nào và đường bay của phi cơ hãng hàng không Pháp không hề xung đột với quỹ đạo bay tên lửa của Triều Tiên. 

may_bay_air_france_qhgg.jpg
Một máy bay của Air France.

"Hơn nữa, việc hợp tác với các cơ quan chức năng giúp Air France liên tục phân tích các nguy cơ tiềm ẩn để điều chỉnh kế hoạch bay phù hợp", đại diện của Air France cho hay.

Tuy nhiên, phía Lầu Năm Góc khẳng định, các cuộc thử nghiệm tương tự như vụ thử tên lửa đêm 28/7 của Triều Tiên vẫn có thể gây ra những mối đe dọa với máy bay thương mại và tàu biển bởi Bình Nhưỡng thường phóng tên lửa mà không hề cảnh báo trước.

Phát ngôn viên của Lầu năm góc Capt Davis Davis hôm 2/8 cho biết, chưa có ghi nhận về một vụ đụng độ nào trên không như vậy, nhưng không phải là không có khả năng này xảy ra trong tương lai.

"Đó là một vấn đề cần lưu tâm khi tên lửa từ các vụ thử nghiệm có thể rơi xuống ở những nơi tập trung tàu bè", ông Davis cho hay.

Đây không phải là lần đầu tiên tên lửa Triều Tiên suýt va chạm với một phi cơ chở khách.

Hồi tháng 3/2014, một máy bay chở hơn 200 khách của hãng hàng không Trung Quốc China Southern Airlines đã vượt qua quỹ đạo của tên lửa được Triều Tiên phóng đi từ bờ biển phía đông nước này 7 phút trước đó.

Video: Mô phỏng vụ máy bay Trung Quốc chở 220 khách suýt trúng tên lửa Triều Tiên

Thời điểm đó, chiếc phi cơ của Trung Quốc đang trên hành trình từ sân bay Narita của Nhật Bản tới Thẩm Dương. Chiếc Airbus A321 được cho là bay qua quỹ đạo của tên lửa vào lúc 16h24 trong khi Bình Nhưỡng bắn tên lửa vào lúc 16h17.

Đêm 28/7, Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo xuống vùng biển Nhật Bản  và khẳng định cả nước Mỹ đều nằm trong tầm bắn của tên lửa này.

Theo hãng thông tấn nước này KCNA, tên lửa được thử nghiệm là Hwasong-14 được phóng đi từ một địa điểm thuộc khu vực tây bắc Triều Tiên. Tên lửa đạt trần bay 3.724,9 km, di chuyển được quãng đường 998 km trong vòng 47 phút 12 giây trước khi rơi xuống khu vực được ấn định trước trên biển./.