Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon khẳng định Liên Hợp Quốc sẽ không can dự vào cuộc chiến tại Mali, nơi quân đội Pháp đang tham chiến cùng quân chính phủ Mali chống quân nổi dậy. Cuộc chiến tại Mali đã kéo Pháp vào cuộc, với việc cử quân đội trực tiếp tham chiến; Mỹ, Anh, Nga, Italy và Canada đã có những cam kết khác nhau về việc hỗ trợ kỹ thuật, viện trợ quân sự và cung cấp thông tin tình báo.

phu-nu-mali.jpg
Phụ nữ Mali sàng lọc lúa mì gần Segou, trung tâm Mali, cách Bamako 240km (Ảnh: AP)

Trong cuộc họp báo tổ chức vào tối 22/1, theo giờ Mỹ, ông Ban Ki-moon khẳng định: "Những hành động tấn công quân sự một cách trực tiếp có thể đặt dân thường trong khu vực vào tình trạng nguy hiểm”.

Trước đó, ngày 11/1, Pháp đã chính thức can dự vào cuộc chiến tại Mali, với việc triển khai các đợt không kích vào các vị trí do quân nổi dậy tại Mali kiểm soát. Một số nhà phân tích chính trị tin rằng chính các nguồn tài nguyên khoáng sản bị bỏ hoang của Mali, gồm các mỏ vàng và uranium với trữ lượng lớn, có thể là một trong những lý do đằng sau việc can thiệp vào cuộc chiến tại Mali.        

Tình trạng hỗn loạn xảy ra tại Mali, sau khi Tổng thống Amadou Toumani Toure bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính quân sự vào ngày 22/3/2012. Nhóm lãnh đạo tiến hành cuộc đảo chính tuyên bố họ tiến hành vụ lật đổ, để chấm dứt tình trạng bất lực của chính phủ trong việc xử lý cuộc nổi dậy của người Touareg ở miền Bắc của quốc gia này. Tuy nhiên, sau khi cuộc đảo chính nổ ra, chính phủ dân bầu bị lật đổ, tình trạng trật tự ở miền Bắc không được lập lại, thậm chí lực lượng nổi dậy người Touagreg còn kiểm soát toàn bộ vùng sa mạc phía Bắc. Sau đó, các tay súng của lực lượng Hồi giáo Ansar Dine đã tiến hành các đợt tấn công và đẩy lùi quân của người Touareg, giành quyền kiểm soát một vùng đất lớn hơn diện tích của nước Pháp./.