Mặc dù tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn tích cực trong năm 2019, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc kéo dài gần 2 năm qua đã có những ảnh hưởng nhất định tới một số lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ.

Các nhà kinh tế cảnh báo hậu quả của thương chiến Mỹ-Trung sẽ còn kéo dài trong nhiều năm mặc dù hai nước đang chuẩn bị ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

mt1_iwfs.jpg
Thương chiến Mỹ-Trung kéo dài hơn 1 năm qua và vẫn chưa có lối ra. (Ảnh: Getty)

Nông nghiệp:Nông dân Mỹ là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc sau khi nước này ngừng mua một lượng lớn nông sản, đặc biệt là đậu tương từ Mỹ. Xuất khẩu nông sản hàng năm của Mỹ sang Trung Quốc đã giảm từ gần 25 tỷ đô la xuống mức thấp nhất là dưới 7 tỷ đô la trong vòng 12 tháng tính tới tháng 04/2019.

Nợ nông nghiệp trong năm qua đã đạt kỷ lục mới do tăng các trường hợp phá sản cộng với lý do thời tiết không thuận lợi. Chính phủ Mỹ đã phải chi 28 tỷ đô la để hỗ trợ thiệt hại cho nông dân nước này, những người lo ngại rằng quan hệ thương mại Mỹ-Trung sẽ không bao giờ được khôi phục. Theo thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1, Trung Quốc sẽ mua nông sản của Mỹ với giá trị lên tới 40-50 tỷ đô la mỗi năm. 

Lạm phát và giá cả: Mức thuế của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với 360 tỷ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc ban đầu tập trung vào các mặt hàng máy móc và tư liệu sản xuất cho doanh nghiệp và dần dần mở rộng sang các mặt hàng tiêu dùng.

Các mặt hàng bị đánh thuế bao gồm phụ tùng ô tô, thiết bị gia dụng và nội thất đã tăng giá khoảng 3% kể từ năm 2017 so với mức giảm 1% của các mặt hàng cốt lõi. Tỷ lệ lạm phát nói chung được duy trì ở mức ổn định trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng 2% trong năm 2019. Mặc dù Tổng thống Trump từng tuyên bố Trung Quốc sẽ phải chi trả cho mức thuế của Mỹ nhưng trên thực tế các nhà nhập khẩu Mỹ mới là những người bị thiệt hại.

Thương mại song phương: Sau nhiều thập kỷ gia tăng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, thương mại Mỹ-Trung đã có bước lùi lớn. Giá trị xuất khẩu của Mỹ với Trung Quốc đã giảm hơn 100 tỷ đô la. Thâm hụt thương mại trong hàng hóa, một trong những mục tiêu của chính quyền Tổng thống Trump, cũng giảm, nhưng chỉ 60 tỷ đô la.

Trong 12 tháng tới tháng 11/2019, thâm hụt thương mại giữa hai nước duy trì ở mức 360 tỷ đô la. Các chuyên gia kinh tế cho biết chiến tranh thương mại ảnh hưởng lớn tới dòng chảy thương mại nhưng ít có ảnh hưởng tới thâm hụt thương mại.

Xuất khẩu sang Mỹ giảm sẽ ảnh hưởng tới các nhà sản xuất ở các thành phố cảng ở Trung Quốc. Các công ty nhỏ sẽ phải ngừng hoạt động trong khi các nhà phân phối lớn hơn sẽ phải tìm đường giảm chi phí hoặc mức giá sản phẩm sẽ được tăng đối với khách hàng Mỹ. 

Cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung đang diễn ra căng thẳng. Ảnh minh họa.

Đầu tư: Đầu tư trong nền kinh tế Mỹ đã giảm mạnh. Đầu tư trực tiếp nước ngoài gần như chững lại trong nửa đầu năm 2018 và tiếp tục thấp yếu tại thời điểm giữa năm 2019.

Tổng đầu tư vào nền kinh tế Mỹ bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng như các nhà máy mới hoặc mua thiết bị cho các nhà máy đó cũng giảm trong quý 2 và 3 của năm 2019.

Nancy McLernon, Chủ tịch Tổ chức đầu tư quốc tế, đại diện cho các công ty đầu tư xuyên quốc gia cho biết các công ty quốc tế nói chung đã trở nên lưỡng lự khi đầu tư vào Mỹ do lo ngại về căng thẳng thương mại. Các công ty quốc tế chiếm tới 20% số lao động trong ngành chế tạo của Mỹ và sản xuất 25% hàng hóa xuất khẩu của Mỹ.

Việc làm: Các nhà máy ở cả Mỹ và Trung Quốc đã bị ảnh hưởng lớn trong bối cảnh thương mại và đầu tư toàn cầu đi xuống.

Các hoạt động công nghiệp trên toàn thế giới đã sụt giảm và các nhà máy ở Mỹ không là một ngoại lệ. Trong báo cáo việc làm công bố tuần trước, Bộ Lao động Mỹ cho biết các nhà sản xuất Mỹ đã cắt giảm 12,000 việc làm trong tháng 12/2019. Tuy nhiên, hầu hết người dân Mỹ làm việc trong những lĩnh vực không liên quan tới cuộc chiến thương mại và tỷ lệ việc làm gia tăng chủ yếu ở các ngành công nghiệp như dịch vụ chuyên nghiệp, giải trí và khách sạn và chăm sóc sức khỏe.

Tăng trưởng kinh tế: Đầu năm 2018, chính quyền Tổng thống Trump đã đạt được mục tiêu với nền kinh tế tăng trưởng 3% hoặc hơn mỗi năm. Cũng trong tháng 02/2018, Nhà Trắng dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng hơn 3% mỗi năm trong năm 2018 và 2019 và nền kinh tế sẽ vững mạnh tới mức Cục dự trữ liên bang sẽ không tiếp tục tăng lãi suất cơ bản.

Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tiếp tục căng thẳng và chính quyền Mỹ bắt đầu yêu cầu FED giảm lãi suất cơ bản nhằm củng cố nền kinh tế. FED đã cắt giảm lãi suất cơ bản 3 lần, tuy nhiên tăng trưởng của kinh tế Mỹ đã giảm xuống mức 2%.

Có một số yếu tố khác khiến nền kinh tế Mỹ chậm lại. Cú hích của việc cải cách thuế trong năm 2017 bắt đầu giảm tác dụng. Kinh tế châu Âu phải đối mặt với nhiều thách thức lâu dài về nhân khẩu học. Một số thị trường mới nổi như Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua các cuộc khủng hoảng tiền tệ khiến tăng trưởng toàn cầu đi xuống. Nói chung, tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 đã trải qua năm tồi tệ nhất sau cuộc khủng hoảng tài chính.

Tăng trưởng của Trung Quốc cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Sau khi tăng trưởng gần 7% trong năm 2017, nền kinh tế Trung Quốc được dự báo bởi Ngân hàng thế giới sẽ tăng trưởng dưới 6% trong năm 2020, mức thấp nhất trong vòng 3 thập kỷ.

Cuộc chiến thương mại - đặt ra câu hỏi về các yếu cố cơ bản của quan hệ Mỹ-Trung – đã khiến các doanh nghiệp Trung Quốc thất vọng trong khi người tiêu dùng Trung Quốc thì lo ngại. Nhiều doanh nghiệp đã phải hoãn các kế hoạch đầu tư và mở rộng và thậm chí phải cắt giảm công nhân.

Theo chuyên gia kinh tế Gregory Daco thuộc Tổ chức Oxford Economics, nếu không có thương chiến với Trung Quốc, nền kinh tế Mỹ có thể tăng 2.6% trong năm 2019 và mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 2.9%. 

Các chuyên gia kinh tế cho biết, ảnh hưởng đối với nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc hay toàn cầu không đơn thuần do các biện pháp thuế quan mà còn do lo ngại về những gì còn ở phía trước và rất khó có thể dự đoán./.