Truyền thông khu vực Trung Đông những ngày qua tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt về chiến dịch “Nhành Ô liu” của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Từ việc Chính phủ Syria đạt được thỏa thuận đưa quân vào khu vực Afrin với lực lượng người Kurd, cùng với những phản ứng “răn đe” từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, cho đến cơ hội đối thoại giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ về chiến dịch này đang hiện hữu rõ ràng hơn bao giờ hết.

Thậm chí, việc đặt tên lại một con đường tại Thổ Nhĩ Kỳ mang tên “Nhành Ô liu” cũng được báo giới và dư luận đặc biệt quan tâm. Kịch bản nào cho chiến dịch quân sự gây “tranh cãi” này của Thổ Nhĩ Kỳ.

afrin_turkey_syria_kuma_flhd.jpg
Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, mục tiêu của chiến dịch “Nhành Ô-liu” tại Afrin là tiêu diệt khủng bố. Ảnh: 

Theo thông tin mới nhất từ người phát ngôn lực lượng người vũ trang người Kurd (YPG) tại Syria, Nouri Mahmoud, không có bất kỳ thỏa thuận nào đạt được giữa chính phủ Syria với lực lượng này về việc cho phép binh sĩ quân đội tiến vào khu vực Afrin, thuộc tỉnh Aleppo – nơi mà Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành chiến dịch quân sự chống lại người Kurd trên danh nghĩa một cuộc chiến chống khủng bố.

Tuy nhiên, ông Mahmoud xác nhận, lực lượng này đã gọi điện cho phía Chính phủ Syria đề nghị đưa quân đến đó để bảo vệ biên giới.

Hiện chưa có bất kỳ động thái triển khai quân nào từ phía chính phủ của Tổng thống Bashar Al Assad, song truyền hình nhà nước Syria tối qua đã phát đi thông tin cho rằng, quân đội Syria sẽ vào Afrin trong vòng vài giờ tới.

Ngay lập tức, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra phản ứng “răn đe” với nhiều tuyên bố của các quan chức cấp cao nước này. Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cảnh báo, chính phủ Syria sẽ phải đối mặt “hậu quả khó lường” nếu hợp tác với lực lượng người Cuốc tại đây và chiến dịch “Nhành Ô liu” sẽ vẫn tiếp tục đúng theo kế hoạch.

Trước đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tái khẳng định, mục tiêu của chiến dịch “Nhành Ô liu” tại Afrin là khá rõ ràng: tiêu diệt khủng bố bao gồm các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng và lực lượng vũ trang người Kurd (YPG).

Ông Cavusoglu cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ cam kết giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Syria khi chiến dịch này kết thúc. Tuy nhiên, có 2 kịch bản cho chiến dịch “Nhành Ô liu” nếu quân đội Syria vào Afrin.

“Câu hỏi đặt ra hiện giờ là lực lượng chính phủ Tổng thống Syria - Bashar Al Assad có tiến vào Afrin hay không? Và nếu họ đến, thì vì mục đích gì? Nếu họ đến để quét sạch các tay súng của Các Đơn bị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) thì không vấn đề gì. Nhưng nếu họ hỗ trợ những kẻ khủng bố, thì không ai có thể ngăn cản chúng tôi dù ở Afrin, Manbij hay khu vực phía Đông sông Euphrates”, ông Cavusoglu nói.

Thông tin đưa quân đội Syria đến Afrin làm dấy lên lo ngại chiến dịch “Nhành Ô liu” sẽ trở nên “khốc liệt” và khó lường hơn. Tuy nhiên, hôm qua, phía Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã phát đi một tín hiệu được cho là khá “lạc quan” với tuyên bố của Phó Thủ tướng kiêm người phát ngôn chính phủ nước này Bekir Bozdag.

Ông Bozdag cho rằng, nước này hi vọng có thể kết thúc chiến dịch “Nhành Ô liu” tại Afrin và không mở rộng ra khu vực Manbij – nơi quân đội Mỹ đang đồn trú tại Syria, nếu đạt được thỏa thuận với Mỹ thông qua đối thoại.

“Nếu các cuộc đàm phán với Mỹ không mang lại kết quả thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là người quyết định cuối cùng về tình hình tại Manbij. Chúng tôi sẽ quét sạch  khủng bố tại đó như đã làm tại Afrin. Song chúng tôi hi vọng mọi việc sẽ được giải quyết thông qua đối thoại thay vì một hành động như vậy”, ông Bozdag cho biết.

Tuy nhiên, những bất đồng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ về người Kurd đến nay vẫn chưa thể giải quyết, kể cả sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 15/2 vừa qua tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Rõ ràng nhất là việc Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua quyết định đặt lại tên một con đường bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Ankara mang tên “Nhành Ô liu” như một lời nhắc nhở đối với đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) của mình về những hỗ trợ “bấy lâu nay” cho người Kurd./.