Mặc dù có những tiến triển nhất định trong cuộc chiến chống đại dịch Ebola, tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã để lỡ mục tiêu dập tắt được dịch bệnh chết người này trước ngày 1/12. Trong khi đó, giới chức của Liên Hợp Quốc cũng vừa cảnh báo, cuộc khủng hoảng Ebola có nguy cơ sẽ tiếp tục lan rộng.

WHO 2 tháng trước đã phát động một kế hoạch đầy tham vọng nhằm dập tắt dịch bệnh Ebola ở Tây Phi, với mục tiêu cách ly 70% số trường hợp  nhiễm bệnh và chôn cất an toàn đối với 70% các nạn nhân tử vong vì virus tử thần Ebola tại 3 quốc gia gồm  Liberia, Sierra Leone, và Guinea  trước ngày 1/12.  

u5e3y80r_uval.jpgMột nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của một phụ nữ rời Guinea ở biên giới với Mali (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, cho đến nay, chỉ có Guinea được đánh giá là đang trong quá trình đáp ứng các mục tiêu đề ra. Còn tại Liberia, chỉ 23% trường hợp nhiễm bệnh được cách ly,  26%  trường hợp tử vong vì dịch bệnh được chôn cất an toàn. Trong khi đó, ở Sierra Leone, khoảng 40% số người nhiễm bệnh được cách ly và chỉ 27% bệnh nhân tử vong được chôn cất an toàn. Như vậy, với thời hạn chót đặt ra là 1/12, WHO đã không đáp ứng được mục tiêu đề ra trước đó trong nỗ lực nhằm khống chế tình trạng bùng phát dịch bệnh chết người lớn nhất từ trước tới nay. 

Bất chấp những tiến bộ đạt được, cuộc khủng hoảng Ebola tiếp tục có những diễn biến phức tạp khi người đứng đầu phái bộ chống Ebola của LHQ Anthony Banbury hôm nay (1/12) cảnh báo có “nguy cơ lớn” rằng virus chết người Ebola có thể lan rộng tới nhiều khu vực khác của thế giới.  

Lời cảnh báo này vừa được ông Banbury đưa ra tại Freetown, thủ đô của Sierra Leone, một trong những tâm điểm của dịch bệnh. Trước đó, vị quan chức này cũng từng đưa ra nhận định, LHQ sẽ không đáp ứng được mục tiêu khống chế dịch bệnh trước ngày 1/12 trong bối cảnh các trường hợp nhiễm bệnh vẫn tiếp tục gia tăng tại một số quốc gia đang bị dịch bệnh hoành hành, trong đó phải kể đến Sierra Leone.

Ông Banbury nói: “Chúng ta đã có một số tiến bộ thực sự trong tháng 11 vừa qua hướng tới mục tiêu để 70% trường hợp nhiễm bệnh được điều trị, 70% trường hợp tử vong vì dịch bệnh được chôn cất an toàn. Ở một số nơi chúng ta hoàn toàn đạt được mục tiêu này, chúng ta chứng kiến những tác động tích cực từ những nỗ lực của giới chức trách các quốc gia, cũng như hệ thống của LHQ: Phái bộ về ứng phó khẩn cấp với Ebola của LHQ (UNMEER). Tuy nhiên, ở một số nơi khác chúng ta không đạt được mục tiêu này.

Không chỉ cướp đi sinh mạng của gần 7.000 người, chủ yếu tập trung tại các quốc gia Tây Phi, dịch bệnh chết người Ebola còn đang kéo theo những hệ lụy mới, đẩy người dân khu vực này đứng bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng lương thực, đối mặt với nạn đói.  

Theo nhận định của giới chuyên gia, hơn 1 triệu người dân ở khu vực Tây Phi sẽ cần viện trợ lương thực khi đứng trước tình trạng thiếu ăn, giá cả tăng vọt và nguy cơ nạn đói rình rập. Những quốc gia đang bị dịch bệnh Ebola hoành hành như Liberia, Sierra Leone và Guinea trước đó đã phải hứng chịu sự tàn phá từ các cuộc xung đột, nội chiến, khả năng tự túc về lương thực mới chỉ trở lại trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, dịch bệnh Ebola lại một lần nữa kìm hãm sự phát triển của các quốc gia này.

Trước tình hình dịch bệnh Ebola ngày càng diễn biến phức tạp, thế giới dường như không còn lựa chọn nào khác là huy động mọi nguồn lực, tăng cường sự chung tay góp sức của toàn thể cộng đồng quốc tế trong việc ứng phó với đại dịch toàn cầu này./.