“Chúng tôi chỉ muốn có một nơi ấm áp để ngồi”, một người di cư ở khu vực biên giới Belarus cho biết.

“Thật lạnh… Đây không phải là một hành trình dễ dàng. Không ai ở Trung Đông quen với cái lạnh ở đây. Thật không dễ dàng để ai đó nói rằng ‘Tôi muốn đến châu Âu bằng cách này’”, một người khác nói.

Đó dường như là cảm nhận của hầu hết người di cư tại biên giới Belarus tiếp giáp Ba Lan lúc này. Một số người di cư đã bắt đầu hồi hương, một số khác vẫn quyết bám trụ tại đây, với kỳ vọng sẽ được châu Âu tiếp nhận.

Tuy nhiên, đến nay, EU vẫn kiên quyết từ chối. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 23/22 tái khẳng định, EU sẽ đoàn kết với Ba Lan, Litva và Latvia – những quốc gia châu Âu đang phải đối đầu với “mưu đồ gây bất ổn” của Belarus. Khối này cũng sẽ phối hợp với các đối tác bên ngoài như Mỹ, Anh và Canada để giải quyết thách thức này.

“Hành vi thái quá của chính quyền Belarus là trọng tâm trong các cuộc thảo luận của tôi với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Chúng tôi đã đều đồng ý với nhau rằng, đây không phải là một cuộc khủng hoảng di cư, đây là nỗ lực của chính quyền một nước nhằm cố gắng gây bất ổn cho các nước láng giềng”, bà Leyen nói.

Dù vậy, theo Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, những nỗ lực ngoại giao của nước này đang giúp hạ nhiệt phần nào khủng hoảng, với việc số lượng người di cư tới Belarus với ý đồ đến châu Âu đã giảm.

“Các cuộc thảo luận với các đối tác của chúng tôi ở Thổ Nhĩ Kỳ, ở Trung Đông và hợp tác tốt với các nước ở Trung Á như Uzbekistan chẳng hạn, đã dẫn đến một thực tế là ngày nay dòng người di cư đến Belarus đã thay đổi tích cực, ít hơn rất nhiều so với thời kỳ đỉnh cách đây khoảng 2, 3 tuần. Điều này rất quan trọng vì đây là bước đầu tiên hướng tới việc giảm nhẹ cuộc khủng hoảng do Belarus khởi xướng”, ông Morawiecki cho biết.

Thủ tướng Ba Lan thừa nhận cuộc khủng hoảng này sẽ không thể kết thúc sớm. Hiện châu Âu vẫn duy trì quan điểm cáo buộc Belarus dùng người di cư để gây sức ép với EU để Khối này gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt liên quan đến các vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên Belarus luôn bác bỏ.

Trên thực tế, Belarus đã tiến hành đối thoại với các nước Trung Đông để hồi hương một phần người di cư. Theo các báo cáo từ cả Iraq và Belarus, số người di cư được hồi hương, rời Belarus trong 2 lần là hơn 500 người. Các chuyến bay hồi hương tiếp theo đang được lên kế hoạch. Tuy nhiên, Belarus cũng đã đề xuất để châu Âu phải tiếp nhận một phần nhỏ, song chưa được đáp ứng.

Theo ước tính từ EU, hiện vẫn còn khoảng 10.000 người di cư vẫn còn tại biên giới Belarus, sống trong điều kiện khắc nghiệt. Đến nay, 13 người, bao gồm cả trẻ nhỏ đã tử vong tại đây./.