Sau hơn 1 tuần ngủ trong lều trại lạnh giá ở biên giới Belarus-Ba Lanvà liên tục hứng chịu hơi cay của cảnh sát, Mohamed Faraj đã từ bỏ và quay trở lại một khách sạn ở Minsk, thủ đô của Belarus.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Faraj đã bất ngờ khi nhìn thấy một đoạn video đăng tải trên Facebook nói rằng Ba Lan sẽ mở cửa biên giới và thúc giục tất cả những người muốn vào EU tập trung tại một trạm xăng gần khu cắm trại mà những người di cư đặt biệt danh là “Forest”.
Faraj, một người dân tộc Kurd 35 tuổi đến từ Iraq, vội vã quay trở lại khu trại tồi tàn mà anh vừa rời đi, lặn lội hơn 300km từ Minsk đến trạm xăng cho kịp thời điểm mở cửa biên giới vào đầu tháng 11 mà anh đọc được trên Facebook.
Thực tế, biên giới Ba Lan vẫn đóng chặt và Faraj đã mất 10 ngày để quay trở tình cảnh mà anh mô tả là “giống như trong phim kinh dị”.
Tin giả khiến những người muốn di cư trở thành “con mồi”
EU ủng hộ mạnh mẽ lập trường cứng rắn của Ba Lan về vấn đề người di cư, và đổ lỗi cuộc khủng hoảng ở biên giới phía Đông của khối cho phía Belarus.
Belarus bị cho là đã khơi dậy cuộc khủng hoảng bằng việc nới lỏng quy định cấp thị thực du lịch cho hàng nghìn người Iraq và buông lỏng con đường dẫn đến biên giới với Ba Lan.
Dù vậy, vẫn còn một yếu tố khác được xem như chất xúc tác khó lường đã thúc đẩy hy vọng và ảo tưởng của những người muốn di cư vào EU, khiến họ trở thành nạn nhân của những kẻ trục lợi và lừa đảo. Đó chính là những tin giả, tin sai lệch trên mạng xã hội.
Tin giả trên Facebook, “đã đổ bùn lên đầu chúng tôi và hủy hoại cuộc sống của chúng tôi”, Faraj nói.
Tuần trước, Faraj cùng 2.000 người khác ở khu cắm trại “Forest” đã được đưa tới trung tâm tạm giữ người nhập cư – được chuyển đổi từ một nhà kho lớn ở gần đó.
Kể từ tháng 7, hoạt động trên các trang Facebook bằng tiếng Arab và tiếng Kurd liên quan đến việc di cư tới EU qua Belarus đã “tăng vọt”, Monika Richter, trưởng bộ phận nghiên cứu và phân tích của Semantic Visions - một công ty tình báo chuyên theo dõi hoạt động trên mạng xã hội liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư, cho biết.
Theo các nhà nghiên cứu, những kẻ đưa người trái phép công khai chia sẻ số điện thoại và quảng cáo về dịch vụ của họ trên Facebook, thậm chí đăng tải cả video từ những người được cho là đã đến Đức thành công qua Belarus và Ba Lan để “chứng thực”.
Những kẻ buôn người quảng cáo về “các chuyến đi hàng ngày từ Minsk đến Đức chỉ với 20km đi bộ”. Trong một bài đăng ngày 19/10, một tài khoản Facebook đã cảnh báo rằng hành trình này “không thích hợp với trẻ em do trời lạnh”.
Một tài khoản Facebook có tên “Visa Visa” cũng quảng cáo các chuyến đi đến Đức từ Belarus qua Ba Lan. Theo thông tin từ tài khoản này, chuyến đi sẽ kéo dài từ 8-15 giờ nhưng thêm vào một lời cảnh báo: “Đừng gọi nếu bạn sợ”.
Bất chấp trải nghiệm cay đắng khi rất nhiều lời hứa hẹn trên mạng xã hội trở thành giả dối, những người đang co ro trong nhà kho ở biên giới Belarus-Ba Lan vẫn cảm thấy “hào hứng” sau thông tin ngày 19/11. Thông tin này nói rằng vẫn có cơ hội vào châu Âu cho bất cứ ai sẵn sàng trả 7.000 USD cho một hướng dẫn viên tự tuyên bố là biết mọi con đường dễ dàng qua biên giới Belarus-Ba Lan, thậm chí qua cả lực lượng biên phòng ở cả 2 phía.
Rekar Hamid, một cựu giáo viên toán người Kurdistan ở Iraq, đã trả khoảng 10.000 USD cho các đại lý du lịch ở Iraq để có một “chuyến du lịch trọn gói” đưa cả anh cùng vợ và con nhỏ đến châu Âu. Nhưng cuối cùng, cả gia đình bị “mắc kẹt” trong khu nhà kho ở biên giới Belarus.
“Họ liên tục nói rằng cánh cửa đang mở, nhưng hãy nhìn xem tất cả chúng tôi đang ở đâu”, Hamid nói.
Musa Hama, cũng là một người Kurd đến từ Iraq cho biết, không có cơ chế kiểm chứng sự thật nào để ngăn mọi người tin vào những lời quảng cáo hứa hẹn trên mạng xã hội.
“Mọi người đang tuyệt vọng nên họ sẽ tin vào mọi thông tin mà họ nhìn thấy”, Hama nói.
“Thị trường” sôi động trên mạng xã hội
Làn sóng những người di cư đổ đến Belarus để tìm cách vào EU bắt đầu từ đầu năm 2021 khi Minsk nới lỏng quy định cấp thị thực vốn trước đây thắt chặt đối với một số quốc gia, đặc biệt là Iraq.
Nhận thấy cơ hội kinh doanh sinh lợi, các đại lý du lịch ở vùng Kurdistan bán tự trị của Iraq bắt đầu quảng cáo trên Facebook và các nền tảng khác về khả năng xin thị thực đến Belarus.
Những kẻ đưa người trái phép cũng sử dụng mạng xã hội để “quảng bá” Belarus như một “cửa sau” dễ dàng đến châu Âu.
Kể từ tháng 7, Semantic Visions đã xác định được hàng chục nhóm Facebook được tạo ra để chia sẻ thông tin về các tuyến đường di cư và được những kẻ buôn lậu sử dụng để quảng cáo dịch vụ này.
Theo Semantic Visions, một nhóm kín có tên “Migration of the powerful from Belarus to Europe” (tạm dịch là “Di cư từ Belarus đến châu Âu”) có số lượng thành viên tăng gấp hơn 2 lần, từ 13.600 thành viên vào đầu tháng 9 lên khoảng 30.000 người hiện nay.
Một nhóm khác có tên “Belarus Online,” cũng tăng từ 7.700 thành viên lên 23.700 trong cùng thời kỳ.
Trên Telegram, các phòng chat, các kênh nhắn tin liên quan đến việc di cư vào EU qua Belarus cũng đã thu hút hàng nghìn thành viên.
“Các báo cáo của chúng tôi cho các mạng xã hội - đặc biệt là Facebook - đang được sử dụng như một thị trường thực tế để đưa người trái phép vào Liên minh châu Âu,” Semantic Visions cho biết trong một báo cáo gần đây được công bố giữa các quan chức EU.
Facebook, hiện được chính thức gọi là Meta sau khi đổi tên công ty, cho biết họ ngăn chặn các thông tin tạo điều kiện hoặc thúc đẩy đưa người trái phép và có các nhóm chuyên trách theo dõi và phát hiện các thông tin liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư.
Đại diện Facebook cho biết thêm, công ty này đang làm việc với các cơ quan thực thi pháp luật và các tổ chức phi chính phủ để chống lại làn sóng tin tức giả mạo liên quan đến di cư.
“Những kẻ đưa người trái phép qua biên giới quốc tế là bất hợp pháp và các quảng cáo, bài đăng, các trang/nhóm cung cấp, hỗ trợ hoặc điều phối hoạt động này không được phép xuất hiện trên Facebook. Chúng tôi đã xóa nội dung này ngay sau khi chúng tôi biết về nó”, Facebook cho biết trong một tuyên bố qua email.
Dù vậy, thực tế ở biên giới Belarus-Ba Lan cho thấy, Facebook vẫn đang chật vật tìm cách ngăn chặn các thông tin bị cấm xuất hiện trên nền tảng mạng xã hội này, đặc biệt là với các trang sử dụng ngôn ngữ không phải tiếng Anh./.