Cuộc khủng hoảng cả về chính trị và an ninh tại Iraq đã có những chuyển biến tích cực kể từ khi Thủ tướng sắp mãn nhiệm Nuri al-Maliki chấp nhận từ chức, mở đường cho một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình tại quốc gia Trung Đông. 

Cùng với đó, dưới sự hỗ trợ của Mỹ, các lực lượng người Kurd ở miền Bắc Iraq đã giành lại quyền kiểm soát toàn bộ toàn bộ đập thủy điện lớn nhất nước này từ tay phiến quân "Nhà nước Hồi giáo" (IS).

iraq_1_usmw.jpgCác tay súng người Kurd ở Iraq (Ảnh: AP)

Với sự hậu thuẫn của máy bay Mỹ và vũ khí của các nước phương Tây, lực lượng người Kurd đã giành lại quyền kiểm soát đập Mosul, con đập lớn nhất Iraq, nơi cung cấp điện và nước tưới tiêu nông nghiệp cho phần lớn các khu vực trong tỉnh Nineveh miền Bắc Iraq. Đây được coi là thắng lợi lớn nhất của người Kurd kể từ khi lực lượng này phát động chiến dịch phản công lực lượng phiến quân Nhà nước Hồi giáo hồi đầu tháng 6/2014.

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ, các máy bay chiến đấu và máy bay không người lái của Mỹ đã tiến hành 14 cuộc không kích gần khu vực đập Mosul trên sông Tigris, hỗ trợ bước tiến của lực lượng người Kurd. Các cuộc không kích đã phá hủy một trạm kiểm soát và hàng loạt phương tiện quân sự của lực lượng phiến quân.

Phát biểu trước Quốc hội Mỹ hôm 17/8, Tổng thống nước này Barack Obama đã chính thức thông báo, theo đề nghị của chính phủ Iraq, ông đã ra lệnh tiến hành các cuộc không kích "có giới hạn" tại Iraq để hỗ trợ các lực lượng an ninh của quốc gia Trung Đông này giành lại quyền kiểm soát đập thủy điện lớn nhất từ tay phiến quân Hồi giáo. Ông Obama cũng cho biết, “việc để mất đập Mosul có thể đe dọa mạng sống của nhiều dân thường, gây nguy hiểm cho các cơ sở và công dân Mỹ tại Đại sứ quán ở thủ đô Baghdad và ngăn cản Chính phủ Iraq cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân”.

Trong vài tuần qua, lực lượng phiến quân Nhà nước Hồi giáo đã chiếm giữ một phần rộng lớn lãnh thổ ở miền Bắc Iraq, đánh bật lực lượng người Kurd khỏi một số khu vực, khiến hàng chục nghìn người theo đạo Cơ Đốc và người thiểu số Yazidi phải rời bỏ nhà cửa. Phát biểu tại buổi tiếp Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier hôm qua, lãnh đạo khu tự trị người Kurd, ông Masoud Barzani bày tỏ hy vọng lực lượng người Kurd cùng với những cộng đồng khác của Iraq sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo.

Ông Barzani nói: “Hiện nay, chúng tôi phải đối mặt với thảm kịch như người Yazidi và người Cơ Đốc giáo. Với ý chí và sức mạnh của mình cùng với sự hỗ trợ của những người anh em, chúng tôi sẽ giành chiến thắng trong cuộc xung đột này. Những kẻ phạm tội rồi sẽ thất bại và sẽ bị trừng trị thích đáng”.

Cũng liên quan tình hình Iraq, trong phát biểu hôm 17/8, nữ phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Iran Marziyeh Afkham coi những diễn biến tích cực gần đây ở Iraq là "một bước tiến".

Bà Afkham hoan nghênh các nỗ lực chuyển giao quyền lực hòa bình ở Iraq và cho rằng cách ứng xử có trách nhiệm của các nhà lãnh đạo chính trị tại Iraq giúp củng cố các cơ quan nhà nước, tăng cường nền dân chủ và giúp ổn định tình hình đất nước. Người phát ngôn này cũng nhắc lại chính sách đối ngoại của Iran là hỗ trợ cho sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ và tôn trọng chủ quyền của nhà nước Iraq./.