Ngày 25/1, Hội đồng lập pháp quốc gia Thái Lan đã nhóm họp để xem xét đề nghị hoãn bầu cử mà chính phủ của Thủ tướng Prauyth Chan-ocha đề nghị.

Với tỷ lệ 196 phiếu thuận, 12 phiếu chống và 14 phiếu trắng, Hội đồng lập pháp quốc gia Thái Lan (NLA) tức Quốc hội đã thông qua một dự luật cho phép trì hoãn cuộc bầu cử dân sự ở nước này thêm 90 ngày. Như vậy, nhiều khả năng, cuộc bầu cử dân sự tại Thái Lan sẽ phải trì hoãn tới đầu năm 2019.

ta_wnly.jpg
Thủ tướng Thái Lan Prauyth Chan-ocha.

Theo chủ tịch Hội đồng lập pháp quốc gia Thái Lan Vitthaya Piewpong, việc trì hoãn cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức vào cuối năm nay là cần thiết bởi cử tri cũng như các đảng phái sắp được tái hoạt động tại Thái Lan có thêm thời gian để nghiên cứu và chuẩn bị. Quyết định được thông qua với số phiếu thuận áp đảo.

Theo Hiến pháp 2017 của Thái Lan, tổng tuyển cử sẽ được tổ chức trong vòng 150 ngày sau khi 4 đạo luật cơ bản về bầu cử - luật về ủy ban bầu cử, luật về đảng chính trị, luật về bầu hạ nghị sỹ và luật về thành phần thượng viện, “có hiệu lực” chứ không phải “được ban hành”. Nếu luật bị hoãn áp dụng 90 ngày, thì thời gian tổ chức bầu cử sẽ là 240 ngày sau khi luật có hiệu lực.

Trước đó, các đảng chính trị tại Thái Lan đã đưa ra tuyên bố phản đối ý định hoãn thi hành dự luật bầu cử dân sự. Đảng Pheu Thái kêu gọi nhanh chóng trả lại quyền điều hành quốc gia cho nhân dân.

Cũng trong một diễn biến liên quan, đại sứ EU tại Thái Lan Pirkka Tapiola đã lên tiếng kêu gọi nước này bỏ ý định hoãn bầu cử và EU sẵn sàng hỗ trợ Thái Lan trong việc thực hiện lộ trình đã đề ra trước đó.

Trong chuyến công du tới Mỹ vào tháng 10/2017, thủ tướng Thái Lan Prauyth Chan-ocha cũng đã tuyên bố sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 11/2018 để mở đường cho việc thành lập chính phủ dân sự. Tuy nhiên, chính quyền quân sự lại cho rằng tình hình tại Thái Lan chưa đảm bảo để có thể có một cuộc bầu cử an toàn. Chính vì thế, chính phủ đã đề nghị với Hội đồng lập pháp quốc gia Thái Lan hoãn cuộc bầu cử tới đầu năm 2019./.