>> Xem Phần 1:Kollontai sục sôi yêu đương và cách mạng

Với tư cách Dân ủy (tức Bộ trưởng Liên Xô) của Bộ Phúc lợi Xã hội, Alexandra Kollontai là nhà tổ chức chính các hoạt động chăm sóc trẻ em, đào tạo nghề, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh miễn phí. Bà còn hỗ trợ soạn nhiều bộ luật Xô viết thời kỳ đầu để hợp pháp hóa việc nạo thai, ly dị, kiểm soát sinh đẻ, và tình dục đồng giới – điều chưa từng được nghe tới trong năm 1917. Khái niệm con hoang đã bị loại bỏ. Và nước Nga Xô viết nằm trong các quốc gia đầu tiên trao quyền bầu cử cho nữ giới.

kollontai_bb_danr.jpg
Chân dung nhà cách mạng-cây bút chiến-nữ chính khách Liên Xô Kollontai. Ảnh: Amazon.
Hoạt động sau cách mạng

Năm 1918 Kollontai dẫn đầu một phái đoàn sang Thụy Điển, Anh và Pháp để vận động ủng hộ chính phủ mới Xô viết. Trên đường tới Thụy Điển, tàu của bà bị đắm và phái đoàn suýt chết – họ may mắn kịp lên quần đảo Aland thuộc về Phần Lan - quốc gia này khi ấy đang bị giằng xé trong cuộc chiến một mất một còn giữa phe Bạch vệ và phe cách mạng.

Khi quay về Nga, bà lên tiếng tranh luận và phản đối việc phê chuẩn Hòa ước Brest-Litovsk. Với cá tính mạnh mẽ của mình, bà xin từ chức bộ trưởng trong chính phủ Xô viết khi ấy để phản đối điều mà bà coi là việc trao Phần Lan cho lực lượng khủng bố Trắng (giai đoạn đó, ngoài nhóm cơ hội chủ nghĩa ra, một bộ phận quá nhiệt tình cách mạng trong đó có Kollontai đã hiểu lầm bước lùi mang tính chiến lược của Lenin – ND). Trong thời gian còn lại của năm 1918, bà hoạt động tích cực với tư cách là người cổ động và điều phối quan trọng trong quá trình tổ chức Đại hội Công nhân và Nông dân toàn Nga lần thứ nhất (11/1918).

Trong suốt năm 1919, mặc dù đau yếu vì bệnh tim, bệnh thận và bệnh sốt Rickettsia nhưng Kollontai vẫn duy trì một lịch làm việc dày đặc khủng khiếp, bao gồm nhiều cuộc gặp gỡ, các lần diễn thuyết và công việc viết lách. Bà còn đảm đương vai trò đại biểu Đại hội thứ nhất của Quốc tế Cộng sản, Chủ tịch Cục Chính trị của Cộng hòa Crimea, dân ủy tuyên truyền của Ukraine, và nhà hoạt động trong Ban Phụ nữ mới thành lập thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản.

Ban Phụ nữ này có nhiệm vụ cải thiện điều kiện sống của phụ nữ, chống mù chữ trong phụ nữ, và giáo dục chị em về hôn nhân theo lối mới và luật lao động được thực thi dưới chế độ mới.

Tên tuổi của Kollontai giai đoạn này gắn liền với nhiều bước phát triển mới trong xã hội Xô viết như việc hợp pháp hóa nạo thai, quyền được ly hôn và các lợi ích cho các bà mẹ sau sinh. Năm 1930, lãnh tụ Stalin đã giải thể Ban Phụ nữ này với lý do đã đạt được các mục tiêu đề ra.

Kollontai nhiệt tình sử dụng cả ngòi bút lẫn hoạt động thực tiễn để bảo vệ quyền lợi của chị em phụ nữ. Ảnh: revistaforum.com.br.
Giai đoạn đầu thập niên 1920, trước các khó khăn kinh tế do nội chiến Nga và bao vây của nước ngoài gây ra, Lenin đề ra Chính sách Kinh tế Mới (NEP), theo đó kinh tế tư nhân được khuyến khích trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại và công nghiệp nhẹ.

NEP đã giúp nước Nga phục hồi nhanh chóng nền kinh tế rệu rã của nước này vào thời điểm đó, nhưng cũng khiến nhiều phúc lợi xã hội bị giảm đi. Nhiều cải cách xã hội của Kollontai bị đảo ngược. Phụ nữ nhiều người mất việc, nhiều nhà trẻ bị đóng cửa và phụ nữ phải tập trung làm mẹ và làm nội trợ.

Trước tình hình đó, với sự nhiệt huyết vốn có của mình, Kollontai đã lại lên tiếng đề nghị tăng cường hơn nữa vai trò của công đoàn, và để cho công nhân trực tiếp quản lý nền kinh tế.

Công lớn trong kiến tạo hòa bình

Năm 1922 Kollontai được gửi tới Oslo (Na Uy) với tư cách là đại biểu của phái đoàn công đoàn Liên Xô. Năm 1923 bà được bổ nhiệm làm đại diện của Liên Xô tại Oslo. Với việc bổ nhiệm này, bà trở thành nhà ngoại giao nữ đầu tiên của Liên Xô và là nữ đại sứ thứ hai của thế giới.

Sau khi được bổ nhiệm sang Na Uy và Mexico (với tư cách đại diện thương mại), bà trở thành đặc phái viên của Liên Xô tại Thụy Điển vào năm 1930 và công tác liên tục tại đó đến năm 1945.

Bên cạnh đó, bà còn là thành viên phái đoàn Xô viết tại Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hợp Quốc sau này).

Trong sự nghiệp ngoại giao của mình, bà nổi tiếng với phong cách nói thẳng, nói mạnh, cũng như tính đa tình của mình (bà đã ly dị).

Tháng Giêng năm 1940, trong cuộc chiến tranh Nga-Phần Lan, nhà soạn kịch cánh tả Phần Lan Hella Wuolijoki đã đề nghị người bạn cũ của mình là Kollontai đứng ra làm trung gian hòa giải giữa hai nước.

Với tính chủ động xông xáo của mình, Kollontai không ngại ngần gửi đề xuất hòa bình tới chính phủ Liên Xô. Kết quả, hai nước đã chấm dứt tình trạng đối đầu quân sự vào tháng 3/1940 với Hiệp ước Moscow.

Kollontai và quan điểm cách mạng XHCN của bà. Ảnh: AzQuotes.
Năm 1943 bà chính thức được phong hàm đại sứ. Bà đóng vai trò lớn trong việc xúc tiến các hòa đàm Xô viết-Phần Lan năm 1944.

Có tin đồn cho rằng trong thời kỳ Thế chiến 2, đại sứ quán của bà ở Stockholm có thể là kênh để Liên Xô và Đức đàm phán với nhau.

Kollontai quay về Liên Xô vào năm 1945. Năm sau bà được đề cử cho giải Nobel Hòa bình.

Cuối đời, bà sống ở Moscow, viết hồi ký, nhật ký và làm cố vấn cho Bộ Ngoại giao Liên Xô. Bà nằm trong số ít đội ngũ Bolshevik kỳ cựu còn lại.

Giai đoạn này, đa phần các tác phẩm viết lách của bà tập trung vào cuộc đời bà trước Cách mạng tháng Mười. Cho đến khi ấy, Kollontai vẫn tỏ rõ là người trung thành với chủ nghĩa Marx-Lenin. Bà qua đời vì trụy tim ở Moscow vào ngày 9/3/1952.

Cổ xúy cho tự do tình dục

Alexandra Kollontai kết hợp chủ nghĩa Marx với quan điểm đạo đức tình dục rất “cấp tiến”.

Trong một tuyên ngôn chính trị tựa đề “Luận cương về Tính dục Cộng sản trong lĩnh vực quan hệ hôn nhân” (1921), bà viết: “Không nên xem hành vi tình dục như một điều gì đó xấu hổ và tội lỗi. Nên xem đó là điều tự nhiên như bao nhu cầu khác của một sinh vật khỏe mạnh, chẳng hạn cơn đói và khát”.

Bà bác bỏ chủ trương nữ quyền “tư sản” vào thời của bà. Bà khẳng định rằng chủ nghĩa xã hội là điều kiện cần thiết để giải phóng phụ nữ và tạo sự bình đẳng thực sự giữa hai giới nam và nữ.

Kollontai tiến xa đến mức lập luận rằng gia đình là tàn tích của xã hội tư bản chủ nghĩa.

Trong tác phẩm “Chủ nghĩa Cộng sản và Gia đình” (1920), bà viết: “Thay cho quan hệ cũ giữa nam và nữ, một mối quan hệ mới đang phát triển, đó là mối liên minh của yêu thương và tình đồng chí, là sự sum vầy của hai thành viên bình đẳng trong xã hội cộng sản, cả hai người cùng tự do, độc lập, cả hai đều là những người công nhân. Không có mối ràng buộc gia đình đối với phụ nữ. Không còn bất bình đẳng trong gia đình”.

Trong một tác phẩm khác vào năm 1923, bà đưa ra thuyết tình yêu không chiếm hữu. Thuyết này của bà không nhận được sự đồng tình của lãnh đạo Liên Xô thời đó. Quan điểm của Kollontai về giải phóng tình dục cho phụ nữ cũng gặp phải sự phản đối từ nhiều nữ công nhân Nga thời đó – những người này cho rằng khi chưa làm suy yếu gia đình thì họ cũng đã gặp phải vô số phiền toái rồi.

Năm 1922 Kollontai bắt đầu viết tiểu thuyết. Các tác phẩm bà viết vào đầu thập niên 1920 phản ánh cuộc sống yêu đương khác biệt của chính bà. Các ý tưởng của bà không được hưởng ứng trong nội bộ Liên Xô khi đó nhưng về sau lại được các nhà tâm lý học, xã hội học phương Tây hưởng ứng và coi đó là bằng chứng về quyền tự do tình dục chưa từng có tiền lệ mà phụ nữ được hưởng dưới chế độXô viết.

Sau khi qua đời, Kollontai bị rơi vào lãng quên trong một thời gian trước khi các tư tưởng của bà được làm sống dậy.

Kể từ thập niên 1970, các tác phẩm lý luận của Kollontai được dịch và giới thiệu sang các nước như Đức, Anh và Mỹ./.