“Thu nhập từ việc đẻ thuê có thể giúp phụ nữ nghèo ở Ấn Độ nuôi sống cả gia đình, có thể mua nhà, cho con cái ăn học, thậm chí có thể bắt đầu một công việc kinh doanh nhỏ - những thứ mà trước nay họ chỉ dám mơ ước thì giờ đã có thể trở thành hiện thực”, Dailymail dẫn lời Nayana Patel, người điều hành một cơ sở cung cấp dịch vụ đẻ thuê ở thành phố Anand, bang Gujarat cho biết.
Công nghệ y tế tiên tiến, chi phí thấp là một trong những yếu tố hấp dẫn của ngành "công nghiệp đẻ thuê" ở Ấn Độ (Ảnh: Reuters) |
Ngành “công nghiệp” mới
Một nghiên cứu của Liên Hợp Quốc được công bố tháng 7/2012 cho biết, ngành “công nghiệp đẻ thuê” ở Ấn Độ đã mang về nguồn thu cho nước này mỗi năm khoảng hơn 400 triệu USD với hơn 3.000 trung tâm cung cấp dịch vụ này trên khắp Ấn Độ. Còn theo Telegraph tiết lộ gần đây, ngành công nghiệp này có thể tạo ra doanh thu tới 2,5 tỷ USD mỗi năm cho Ấn Độ.
Với công nghệ y tế tiên tiến, chi phí thấp, vấn đề pháp lý không phức tạp và đặc biệt là nguồn cung dồi dào những người sẵn sàng mang thai hộ là những phụ nữ nghèo, đã khiến Ấn Độ trở nên nổi tiếng thế giới với “ngành công nghiệp đẻ thuê”. Cùng với Gruzia, Nga , Thái Lan, Ukraine và một vài tiểu bang ở Hoa Kỳ, Ấn Độ trở thành một trong những điểm đến lựa chọn cho dịch vụ du lịch sinh đẻ, thu hút đông đảo nguồn khách đến từ Anh, Mỹ, Australia và Nhật Bản.
Ngành “công nghiệp đẻ thuê” ở Ấn Độ chính thức được biết tới từ năm 2002, đã mang lại niềm vui cho hàng ngàn cặp vợ chồng vô sinh, phần lớn từ nước ngoài. Bởi số tiền họ bỏ ra để có một đứa con ở Ấn Độ rẻ hơn nhiều khi thực hiện ở Mỹ hay một nước nào khác. Mức giá trung bình một cặp vợ chồng phải trả khi sử dụng dịch vụ đẻ thuê ở Ấn Độ vào khoảng 25.000-30.000 USD, một phần rất nhỏ so với chi phí tại Mỹ - phải mất từ 75.000-120.000 USD. Ngoài ra, ở Ấn Độ, những phụ nữ đẻ thuê sẽ không có bất cứ quyền hay trách nhiệm nào đối với đứa trẻ họ sinh ra.
Người mang thai hộ được chăm sóc, theo dõi sức khỏe tại trung tâm trong 9 tháng mang thai (Ảnh: Reuters) |
Cơ hội thoát nghèo
Một phụ nữ đẻ thuê ở Ấn Độ có thể nhận được khoảng 400.000 rupee, khoảng 6.500 USD, tương đương với mức thu nhập cả đời của người làm nông nghiệp nước này. Với nhiều phụ nữ nghèo Ấn Độ, đây là cơ hội để họ thay đổi cuộc sống của cả gia đình bất chấp thái độ kỳ thị vẫn còn tồn tại trong xã hội bảo thủ của Ấn Độ.
Trước khi điều hành cơ sở cung cấp dịch vụ đẻ thuê ở Anand, Nayana Patel đã từng đi đẻ thuê. Chị tâm sự, giống như những phụ nữ đi đẻ thuê khác, cô phải giữ bí mật việc mình mang thai hộ do e ngại những ánh mắt kỳ thị của mọi người. Tuy nhiên, chị vẫn cảm thấy “hạnh phúc khi làm điều đó” và nhận thấy không có lựa chọn nào tốt hơn bởi “chúng tôi cần tiền".
Nayana Patel cho biết, sau khi cấy phôi thai, trong suốt 9 tháng mang thai, người mang thai hộ phải vào sống tại trung tâm để được chăm sóc, theo dõi về chế độ ăn uống và nghỉ ngơi. Một yêu cầu nghiêm ngặt đặt ra đối với tất cả các thai phụ là họ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có bất kỳ biến chứng nào xảy ra. Nếu mang song thai, họ sẽ được nhận 10.000 USD; nếu bị sảy thai trong 3 tháng đầu, họ chỉ được nhận 600 USD. Chi phí phải trả cho một ca sinh thành công vào khoảng 28.000 USD. Trong 9 tháng sống ở trung tâm, các thai phụ còn được học nghề để có thể tự kiếm sống sau khi hoàn tất hợp đồng.
Vợ chồng chị Rekha Patel vui sướng trong lần đầu tiên được làm bố mẹ (Ảnh: Reuters) |
Cần được luật pháp bảo hộ
Rekha Patel, 42 tuổi, chủ một nhà hàng ở Anh, vừa đón một bé gái mới sinh tại phòng khám Akanksha, tây bắc Ấn Độ. Bế đứa trẻ trên tay, chị không giấu được sự sung sướng, hạnh phúc: "Tôi không thể tin rằng cuối cùng chúng tôi đã có được đứa con của mình. Chúng tôi thực sự biết ơn “người mẹ Ấn Độ” đã thay chúng tôi 9 tháng mang nặng đẻ đau để cho chúng tôi có một bé gái xinh xắn, khỏe mạnh”.
Hạnh phúc của đôi vợ chồng Rekha Patel và Daniel cũng là niềm vui sướng hạnh phúc của hàng ngàn cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn đã tìm thấy hạnh phúc được làm cha, làm mẹ của mình nhờ dịch vụ mang thai hộ ở Ấn Độ. Tuy nhiên dư luận Ấn Độ đang đặt câu hỏi liệu những phụ nữ nghèo của đất nước họ có đang bị bóc lột bởi ngành công nghiệp không được kiểm soát này hay không và nên chăng ngành chức năng cần có một đạo luật quản lý chặt chẽ hơn việc người nước ngoài tìm kiếm cơ hội sinh con ở Ấn Độ.
Những nhà hoạt động nữ quyền ở Ấn Độ cho rằng, những phụ nữ nghèo của Ấn Độ đang bị biến thành những cỗ máy sản xuất em bé cho người giàu mà không được đảm bảo về sức khỏe và tính mạng khi sự cố xảy ra. Các nhà hoạt động cho rằng, cần phải có quy định cụ thể, nếu không rất nhiều phụ nữ nghèo, ít học sẽ bị lôi kéo vào các bản hợp đồng mà họ không có chút hiểu biết nào.
Tháng 5/2012, Premila Vaghela, 30 tuổi, đã chết sau khi sinh con cho một cặp vợ chồng người Mỹ tại một trung tâm y tế ở Gujarat. Gia đình và người thân của chị không thể đòi hỏi một khoản đền bù nào khi cảnh sát chỉ coi đây là một “cái chết ngẫu nhiên”.
Một nghiên cứu mới đây do Chính phủ Ấn Độ tài trợ dựa trên khảo sát 100 phụ nữ đã từng mang thai hộ sống ở Delhi và Mumbai cho thấy, không có một sự đảm bảo chắc chắn nào cho việc bồi thường cũng như chăm sóc y tế sau khi hợp đồng kết thúc. Trong khi những người mang thai hộ phải thực hiện cấy ghép phôi rất nhiều lần để tăng khả năng thành công.
Ranjana Kumari, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu xã hội - nơi đã tiến hành nghiên cứu trên đây kết luận, hầu hết các trường hợp mang thai hộ đang bị bóc lột, lợi dụng. Việc đưa ra đạo luật về hỗ trợ sinh sản (ART) để bảo vệ người mang thai hộ, trẻ sơ sinh và bố mẹ chúng đã quá muộn.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp này đang bị những nhà hoạt động nữ quyền lên án (Ảnh: Reuters) |
Cơ quan chức năng vào cuộc
Các quy định mới về cấp visa được công bố hồi tháng 7 vừa qua không cho phép các cặp đồng tính và các cá nhân sử dụng dịch vụ mang thai hộ ở Ấn Độ. Luật hỗ trợ sinh sản sẽ được Quốc hội Ấn Độ xem xét vào năm tới cũng sẽ góp phần thắt chặt hơn nữa việc quản lý dịch vụ mang thai hộ ở Ấn Độ.
Theo dự thảo hiện nay, tất cả các trung tâm hỗ trợ sinh sản phải được đăng ký và giám sát bởi một cơ quan quản lý nhà nước. Người mang thai hộ phải nằm trong độ tuổi từ 21 đến 35 tuổi, sẽ được cấp thẻ bảo hiểm, hợp đồng công chứng ký kết giữa người mang thai hộ và cha mẹ đứa trẻ.
Tiến sĩ Sudhir Ajja, làm việc tại một trung tâm sinh sản có trụ sở ở Mumbai cho biết, khoảng 90% khách hàng nước ngoài và 40% khách hàng là các cặp đồng tính đã tìm đến trung tâm này. Tuy nhiên, Tiến sĩ Sudhir Ajja cho rằng, việc thắt chặt quản lý dịch vụ mang thai hộ, đặc biệt đối với các cặp đồng tính và cha mẹ đơn thân, có thể ảnh hưởng tới nguồn thu của ngành công nghiệp non trẻ này.
Tuy nhiên, theo bà Patel, dù thế nào vẫn cần có sự bảo hộ của pháp luật để đảm bảo quá trình được thực hiện với đúng đối tượng. Nếu quá trình thực thi luật không được giám sát chặt chẽ, nó không chỉ làm giảm lượng khách từ nước ngoài mà còn làm mất đi cơ hội để thay đổi cuộc sống của phụ nữ nghèo Ấn Độ./.