Ngày 16/8/2013 là tròn 5 năm cuộc chiến tranh chớp nhoáng giữa Nga và Gruzia diễn ra tại nước cộng hòa tự trị Nam Ossestia. Cuộc chiến kéo dài 5 ngày này chỉ kết thúc khi Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev, đặt bút kí vào thoả thuận ngừng bắn do Pháp làm trung gian, vốn đã có sẵn chữ kí của người đồng cấp phía Gruzia, Mikhail Saakashvili.

Cuộc chiến trong không gian Hậu Xô viết thế kỷ 21 đã hé lộ rất nhiều điều. Đó không chỉ là một “sai lầm chiến lược” của Tổng thống Gruzia Saakashvili, mà còn là dịp để Moscow phô diễn sức mạnh và làm xuất hiện những nhân tố mới trên bàn cờ Nga-phương Tây. Sự kiện này cũng đã đưa mối quan hệ giữa hai nước láng giềng Nga - Gruzia phát triển theo những cách thức hoàn toàn khác.

nga-gruzia-ng.jpg
Đa phần dân Gruzia ủng hộ nối lại quan hệ với Nga (Ảnh minh họa, nguồn kyivpost.com)

Tái hiện “cuộc chiến 5 ngày”

5 năm về trước còn được biết tới với cái tên Chiến tranh Nam Ossestia đã làm thay đổi tình hình tại khu vực Capcaz. Sự kiện này không đơn giản chỉ là cuộc chiến giành ảnh hưởng của hai nước láng giềng với các vùng lãnh thổ tự trị. Nó bắt nguồn từ quá khứ phức tạp tại khu vực cùng những toan tính địa chính trị.

Cuộc chiến 5 ngày tại ngày tại nước Cộng hòa tự trị Nam Ossestia năm 2008 được khơi nguồn từ đầu những năm 90 của thế kỷ 20, trong những biến động của không gian Xô Viết chung. Ý nguyện độc lập của người dân Nam Ossestia được thể hiện ra trong quyết định của Hội đồng dân biểu tỉnh tự trị Nam Ossestia ngày 10/11/1989. Theo đó, sẽ chuyển đổi tỉnh này thành nước cộng hòa tự trị trong thành phần nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết Gruzia. Tuy nhiên, Hội đồng tối cao Gruzia xác nhận quyết định của các dân biểu Nam Ossestia là trái với Hiến pháp. Các nhà dân tộc chủ nghĩa Gruzia sau đó đã bao vây phong tỏa thủ phủ Tskhinvali trong vòng 4 tháng.

Ngày 20/9/1990, Quốc hội Nam Ossestia tuyên bố thành lập nước Cộng hòa, nhưng ngày 10/12, Hội đồng Tối cao Gruzia tuyên bố bãi bỏ tỉnh tự trị Nam Ossestia. Sang ngày hôm sau Gruzia áp dụng tình trạng khẩn cấp ở Tskhinvali. Trong tháng 11/1991, quân đội Gruzia đã được triển khai ở Nam Ossestia. Tình trạng căng thẳng đã dẫn đến đụng độ quân sự lớn làm nhiều người thương vong ở cả hai bên.

Theo các đánh giá khác nhau, từ tháng 11/1990 đến tháng 7/1992, hậu quả cuộc xung đột đã làm thiệt mạng tới 4.000 người.

Để vãn hồi hòa bình và ổn định cho vùng đất này, ngày 24/6/1992 tại Sochi, Nga, Tổng thống Nga Boris Eltsin, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Gruzia Eduard Shevardnadze cùng các đại diện của Nam và Bắc Ossestia ký kết một thỏa thuận về các nguyên tắc giải quyết xung đột. Theo văn kiện này, vào tháng 7/1992 các lực lượng gìn giữ hòa bình hỗn hợp Nga-Gruzia-Nam-Bắc Ossestia đã được đưa đến khu vực xung đột, điều này cũng dẫn đến việc ngừng các hành động quân sự và bắt đầu quá trình đàm phán.

Ý chí độc lập của người dân Nam Ossestia luôn thường trực và hai lần được thể hiện trong các cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 1/1992 và tháng 11/2006. Đại đa số cử tri trong các cuộc trưng cầu ý dân này đã lựa chọn tương lai độc lập cho Nam Ossestia.

Bối cảnh của cuộc xung đột Gruzia-Nam Ossestia bắt đầu lên đỉnh điểm vào cuối tháng 7 - đầu tháng 8/2008. Tbilisi đã tạo ra một sự bất ngờ khi quyết định mở màn một cuộc chiến tranh tổng lực nhằm thu hồi vùng lãnh thổ li khai Nam Ossestia vào ngay đêm trước lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008.  Cuộc giao tranh dữ dội nổ ra vào đêm 7 rạng sáng ngày 8/8/2008, khi Gruzia đã pháo kích lớn vào Tskhinvali, và sau đó nỗ lực chiếm đóng Nam Ossestia.

Trước những diễn biến nguy hiểm, ngày 8/8, Tổng thống Nga Medvedev đã tuyên bố bắt đầu chiến dịch buộc Gruzia phải đi tới hòa bình ở khu vực xung đột. Cùng ngày, với lý do bảo vệ công dân Nga và hỗ trợ lực lượng gìn giữ hòa bình tại khu vực xung đột, Nga đã quyết định đưa khoảng 10.000 quân nhân và hàng trăm đơn vị xe bọc thép vào Nam Ossestia, đồng thời cánh quân trên biển gồm các tàu chiến hạng nặng của Hạm đội Biển Đen cũng tiến vào bờ biển của Abkhazia. Cuộc xung đột quy mô lớn, còn gọi là “Cuộc chiến 5 ngày”, giữa Nga và Gruzia chính thức bắt đầu.

Ngày 9/8, một nước cộng hòa tự trị khác giáp với Nam Ossestia là Abkhazia cũng chính thức tham gia vào cuộc đối đầu vũ trang với Gruzia, sau khi mở chiến dịch buộc quân đội Gruzia phải rút khỏi hẻm núi Kodori. Với sự tham gia tác chiến của các lực lượng Nga, sang đến ngày 12/8, quân đội Gruzia bị đánh bật khỏi Nam Ossestia. Ngay lập tức, phía Nga tuyên bố chính thức về việc kết thúc chiến dịch buộc Gruzia phải đi đến hòa bình, ngày 13/8 Abkhazia cũng thông báo kết thúc chiến dịch giải phóng Kodori.

Trong cuộc chiến này, tuy không tiến sâu vào lãnh thổ Gruzia mà chỉ dừng lại ở điểm cách thủ đô Tbilisi 45 km, nhưng quân đội Nga khi đó đã ngăn chặn được phần lớn quân đội Gruzia, cắt đứt các đường hậu cần và cơ sở hạ tầng trọng yếu của nước này trước sự ngỡ ngàng của Mỹ và phương Tây. Chưa dừng lại ở đó, kể từ sau cuộc chiến, Moscow đã thiết lập hiện diện quân sự tại Nam Ossestia, đồng thời chính thức công nhận vùng lãnh thổ ly khai này cùng với vùng Abkhazia là hai nhà nước độc lập.

Nước cờ sai lầm của lãnh đạo Gruzia

Hành động mạnh tay của Gruzia nhằm thu phục vùng lãnh thổ bị chia cắt Nam Ossestia đã thực sự làm người láng giềng lớn Nga tức giận. Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili đã chơi ván bài mạo hiểm bởi ông tin rằng đằng sau Gruzia, Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương sẽ sẵn sàng can thiệp một khi Gruzia lâm nguy. Nhưng những toan tính đó dường như đã không phù hợp.

Thực tế thì nước Mỹ rất muốn tăng cường sự hiện diện quân sự của mình trong không gian hậu Xô Viết, nhất là ở khu vực Capcaz để biến khu vực này thành bàn đạp sát sườn chĩa vào Nga. Điều đó giải thích vì sao Washington lại ủng hộ việc thành lập một lực lượng quân sự nước ngoài làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Capcaz.

Bản thân Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili cũng đã rất hy vọng vào việc Mỹ sẽ can thiệp quân sự vào cuộc chiến giữa họ với nước láng giềng khổng lồ, Nga, thậm chí còn coi nó là “bước ngoặt” của toàn bộ cuộc xung đột, nhất là trong việc bảo vệ các cảng biển và sân bay của nước này. Bởi giới chức chóp bu Nhà Trắng đã từng úp mở rằng Mỹ coi Gruzia là bạn, Mỹ ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia và kiên quyết ủng hộ Gruzia gia nhập NATO.

Tuy nhiên, từ lời nói đến việc làm là một khoảng cách khá xa. Thực tế đã khiến ông Saakashvili thất vọng.

Đáng lý ra ông Saakashvili phải là người hiểu hơn ai hết lý do dẫn tới động thái “đứng ngoài” của Mỹ. Mỹ đã không khó để nhận ra những lợi ích to lớn từ lời đề nghị tăng cường hợp tác với NATO của Moscow. Tất nhiên kèm theo điều kiện tổ chức này không kết nạp thêm Ukraina và Gruzia. Đó là việc NATO sẽ tiết kiệm hàng tỉ euro cho một cuộc chiến mà họ đang sa lầy ở Afghanistan do Nga cho mượn lãnh thổ cũng như vùng trời để vận chuyển vũ khí, trang bị hậu cần sang Afghanistan.

Không chỉ có vậy, Moscow còn đưa ra dự án vốn có từ thời Nga hoàng là xây dựng đường hầm nối liền Nga với châu Mỹ qua eo biển Berin. Công trình dự tính tiêu tốn 65 tỉ USD nếu được thực hiện thì cái giá chính trị đạt được thật khó đong đếm. Những lợi ích lớn đang gặp nhau và đương nhiên “chuyện nhỏ” Gruzia sẽ bị yếu thế. Đấy là chưa kể những hậu quả khủng khiếp đối với cả Mỹ và thế giới nếu xảy ra đối đầu trực tiếp giữa hai quân đội hùng mạnh nhất hành tinh này.

Và thế là Washington đã không gửi bất cứ một binh sĩ nào của mình đến Gruzia. Tuy vậy Mỹ vẫn tố cáo Nga đã làm cho tình hình trở nên ngày càng căng thẳng với những “hành động gây hấn hung hăng và hiếu chiến”. Nhưng ai cũng hiểu ngoài mục đích hạ thấp hình ảnh Nga trên trường quốc tế, Mỹ lớn tiếng chẳng qua vì vai trò siêu cường quân sự duy nhất của họ đang bị thách thức nghiêm trọng khi Moscow sử dụng vũ lực như một cách để giải quyết xung đột giống như Washington.

Đó là chưa tính tới việc chính sách đối ngoại của Mỹ hiện nay đã trở nên thực dụng hơn nhiều. Mỹ đang cần Nga trong vấn đề hạt nhân Iran vốn được coi là ưu tiên số một của Washington. Năm đó, Mỹ cũng rất bận rộn với việc chuẩn bị bầu cử tổng thống và chìm trong những khó khăn kinh tế do vỡ nợ tín dụng, lạm phát cao do giá dầu leo thang. Do vậy, Mỹ đã chọn cách tránh đối đầu trực tiếp với Nga trên chiến trường. Mỹ chỉ có thể tuyên bố hỗ trợ Gruzia về chính trị và kinh tế mà không dám có những hành động về mặt quân sự, giống như cách họ có thể làm với Ukraina và các nước cộng hòa Baltic vốn đang khao khát hướng về phía Tây.

Không can dự quân sự trực tiếp hỗ trợ Gruzia trong cuộc chiến với Nga, nhưng với những gì đã và đang làm, Mỹ sẽ vẫn nỗ lực hết sức để bảo vệ chính quyền thân Washington, duy trì vai trò ứng cử viên NATO của Gruzia. Để khẳng định sự ủng hộ của mình đối với Tbilisi, người Mỹ cũng sẽ có mặt nhiều hơn ở Gruzia và không loại trừ khả năng đó là những quân nhân mặc thường phục thực hiện sứ mệnh nhân đạo.

Hiện thực giấc mơ của người Gruzia

Sau rất nhiều thăng trầm, nhất là sau cuộc chiến tranh 5 ngày tại nước cộng hòa Nam Ossestia năm 2008, quan hệ Gruzia và Nga đã và đang có chiều hướng được cải thiện. Với sự lên ngôi của phe đối lập của tỉ phú Bidzina Ivanishvili trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 10/2012, Gruzia càng muốn thúc đẩy tiến trình giảm căng thẳng, xích lại gần với Moscow.

Kể từ khi Tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili lên nắm quyền đầu năm 2004 sau sự kiện gọi là "Cách mạng Nhung", quan hệ giữa quốc gia này với Nga luôn trong tình trạng "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt". Đỉnh điểm của căng thẳng là cuộc xung đột vũ trang giữa hai bên hồi tháng 8/2008, với việc Moscow công nhận nền độc lập của Nam Ossestia và Abkhazia, hai thực thể ly khai của Gruzia, và Tbilisi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Moscow. Kể từ đó, quan hệ giữa Nga và Gruzia đã rơi vào tình trạng gần như "đóng băng".

Tuy nhiên, thực tế cho thấy chính sách quá ngả về phương Tây nhằm "mở đường" để Gruzia hội nhập sâu hơn với châu Âu, mà quay lưng thù địch với nước Nga "láng giềng gần" mà Tổng thống Saakashvili thực thi đã tỏ rõ tính "lợi bất cập hại". Là một quốc gia vùng Capcaz, Gruzia có mối quan hệ gần gũi với Nga không chỉ về mặt địa lý, mà hai nước còn có quan hệ lịch sử và văn hóa truyền thống. Người dân hai nước từng trong thành phần Liên bang Xô Viết cũng có sự gắn bó lâu đời. Đó là chưa kể sự phụ thuộc rất lớn về kinh tế, thương mại của Gruzia vào nước láng giềng.

Ngay cả Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cũng từng bày tỏ mong muốn quan hệ Nga và Gruzia được cải thiện hơn nữa, vì theo ông, tiến triển trong quan hệ giữa Nga và Gruzia sẽ tạo thuân lợi cho việc phát triển quan hệ giữa Nga và NATO, cũng như quan hệ giữa Gruzia với NATO. Liên minh châu Âu (EU) cũng chỉ chấp thuận bắt đầu đàm phán về một hiệp định thương mại tự do sâu rộng với Gruzia sau khi nước này đồng ý không phủ quyết chống lại việc Nga gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Giới chức cấp cao Gruzia thời gian qua liên tục có những tuyên bố thể hiện sự thay đổi rõ rệt, đó là duy trì sự cân bằng trong chính sách đối ngoại của mình trên cơ sở thực dụng. Đặc biệt, Gruzia tỏ rõ mong muốn xây dựng mối quan hệ thân thiện với các nước láng giềng, trong đó có Nga, bởi vì mối quan hệ tốt đẹp với những quốc gia này mang lại lợi ích cho chính Tbilisi.

Quan hệ Nga - Gruzia cũng đã bước đầu có những tiến triển rõ rệt. Cuối năm 2011, hai nước đã đạt được thỏa thuận quan trọng, xóa bỏ rào cản cuối cùng trong nỗ lực gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới của Nga suốt gần 20 năm. Tbilisi cũng đã bãi bỏ các thủ tục buộc công dân Nga muốn nhập cảnh Gruzia phải có thị thực, và ngay sau đó, Moscow lần đầu tiên đề xuất khôi phục quan hệ ngoại giao với Gruzia.

Kết quả cuộc tổng tuyển cử tại Gruzia tháng 11/2012 một lần nữa cho thấy xu thế xích lại gần nhau giữa Nga và Gruzia là tất yếu. Người dân Gruzia đã chọn sự thay đổi nhằm biến "giấc mơ" của họ thành hiện thực, đó là giấc mơ được sống trong thịnh vượng và yên bình tại khu vực Capcaz vốn đã quá nhiều bất ổn và căng thẳng. Cho dù vẫn ưu tiên định hướng châu Âu, trước hết là hội nhập dần dần với EU nhưng mối quan hệ với Nga theo hướng thân thiện hơn vẫn là một nhiệm vụ sát sườn của Gruzia. Có như thế, "giấc mơ" của người Gruzia mới có cơ hội trở thành hiện thực./.