10 năm trị vì của Quốc vương Abdullah là quãng thời gian ông nỗ lực không ngừng nghỉ để cân bằng truyền thống, tập tục của người Hồi giáo với nhu cầu của thế giới hiện đại. Khi các phong trào nổi dậy lật đổ những người trị vì lâu năm của thế giới Arab từ Tunisia đến Yemen, Quốc vương Abdullah đã phản ứng nhanh chóng.
Đối với các nhóm khủng bố, Quốc vương Abdullah tỏ ra là người cứng rắn. Ông đã phản đối những diễn giải về đạo Hồi của nhóm al-Qaeda, coi đó là hành động khủng bố. Ông đã ra lệnh thanh lọc sách giáo khoa, loại bỏ những ngôn từ cực đoan và đưa 900 imam (lãnh tụ Hồi giáo) tham dự các khóa học đào tạo lại. Ông ra lệnh bắt hàng trăm phiến quân.
Nhưng Quốc vương Abdullah cũng rất thận trọng và khôn ngoan trong củng cố quyền lực của mình. Kể từ thế kỷ 18, hoàng gia Saudi Arabia đã liên minh với giáo phái Wahhabi theo dòng Hồi giáo Sunni. Do đó, ông chỉ đưa ra những thay đổi nhẹ nhàng nhất đối với tầng lớp giáo sĩ bảo thủ ở Saudi Arabia. Khi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) dòng Sunni càn quét Syria và Iraq, Saudi Arabia đã phản ứng rất chậm và thận trọng do nhóm này thuộc dòng Sunni. Tuy nhiên, Quốc vương Abdullah đã chỉ trích mạnh mẽ giới giáo sĩ cấp cao nước này vì không phản đối khủng bố. Ông đã đưa phi công Saudi Arabia tham gia chiến dịch chống IS do Mỹ dẫn đầu.
Đất nước Saudi Arabia của Quốc vương Abdullah đã chuyển mình từ một đất nước sống chủ yếu dựa vào chăn nuôi du mục bộ lạc sang chủ nghĩa tư bản hiện đại chỉ trong hơn một thế hệ. Tuy nhiên, giới giáo sĩ chính thống vẫn là một lực lượng có quyền lực ở Saudi Arabia. Phụ nữ Saudi Arabia xuất hiện ở nơi công cộng không đeo mạng che mặt có thể bị cảnh sát tôn giáo bắt hoặc đánh đập.
Trong bối cảnh một đất nước siêu bảo thủ như Saudi Arabia, Quốc vương Abdullah đã thực hiện được nhiều thay đổi quan trọng cho phụ nữ. Ông cho phép phụ nữ làm thu ngân ở siêu thị và trở thành vị quốc vương đầu tiên chỉ định một phụ nữ làm phó thủ tướng. Năm 2013, ông đã chỉ định 30 phụ nữ vào Hội đồng Shura 150 thành viên - cơ quan cố vấn hàng đầu của nền quân chủ chuyên chế Saudi Arabia. Năm 2015, lần đầu tiên phụ nữ sẽ được đi bỏ phiếu và ứng cử trong các cuộc bầu cử cấp thành phố. Tại trường đại học chuyên ngành nghiên cứu 12,5 tỷ USD do ông xây và mang tên ông, phụ nữ được theo học cùng nam giới.
Quốc vương Abdullah để lại một di sản có thể được coi là quan trọng nhất, đó là một chương trình hiện đại hóa rất tham vọng. Trọng tâm là một chương trình học bổng đưa hàng chục nghìn người Saudi Arabia, cả nam lẫn nữ, ra nước ngoài học trong các trường cao đẳng, đại học phương Tây. Mục tiêu là để phát triển cho Saudi Arabia một lực lượng lao động có chất lượng cao, có thể thay thế lao động nước ngoài trong các ngành nghề đòi hỏi kỹ năng cao.
Ngoài di sản về mặt xã hội, giáo dục, Quốc vương Abdullah còn để lại di sản về mặt kinh tế cho Saudi Arabia, đó là đưa nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2005, hội nhập nền kinh tế trong nước với toàn cầu. Ông mở cửa đất nước cho đầu tư nước ngoài trực tiếp.
Những chính sách cải cách về mặt kinh tế của Quốc vương Abdullah cho thấy ông nhận ra rằng cần phải đa dạng nền kinh tế một khi nguồn dầu mỏ của Saudi Arabia dù nhiều cũng sẽ đến lúc cạn kiệt.
Trên trường quốc tế, Quốc vương Abdullah cũng có công lớn khi nâng tầm ảnh hưởng của Saudi Arabia. Ông đã đảm nhiệm nhiều vai trò quan trọng trong các vấn đề của khu vực và thế giới. Trong thời kỳ trị vị của ông, Saudi Arabia là nước Arab duy nhất có chân trong nhóm G20, là quốc vương Saudi Arabia đầu tiên gặp Giáo hoàng.Dù vậy, vẫn còn một điều hứa dang dở mà Quốc vương Abdullah chưa thực hiện. Ông từng cam kết sẽ cho phép phụ nữ lái xe khi trả lời phỏng vấn trên truyền hình với phóng viên Barbara Walters của kênh ABC News lần đầu tiên với tư cách là quốc vương hồi tháng 10/2005. Ở Saudi Arabia, phụ nữ vẫn không thể kết hôn, ra nước ngoài, đi học hay mở tài khoản ngân hàng mà không được một người giám hộ là nam giới cho phép./.
>> Xem thêm: Phụ nữ Saudi Arabia cố vượt qua truyền thống để tự kiếm chồng