Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên liên tục leo thang từ đầu năm 2017 đến nay khiến dư luận quốc tế lo ngại về một nguy cơ chiến tranh hạt nhân cận kề mà thế giới từng vài lần đối mặt.Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thị sát tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Hwasong-14 trong bức ảnh mới nhất do KCNA công bố.
Trong những lần loài người suýt bị hủy diệt vì vũ khí hạt nhân, gần đây nhất là vì căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên năm 2013.
1. Khủng hoảng tên lửa Cuba:
Đến nay, đây có lẽ vẫn là lần thế giới bị đẩy đến gần nhất một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Khủng hoảng tên lửa Cuba là một cuộc đối đầu đáng sợ xảy ra tháng 10/1962 giữa Mỹ và Liên bang Xô Viết cũ (Liên Xô) vào thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh.
Để đáp trả việc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) xâm lược Vịnh con Lợn (Bay of Pigs) của Cuba nhưng thất bại, cùng với động thái Mỹ triển khai tên lửa đạn đạo ở Thổ Nhĩ Kỳ và Italy, lãnh đạo Liên Xô lúc đó là Nikita Khrushchev đã tán thành gợi ý của lãnh đạo Cuba Fidel Castro hồi tháng 7/1962 về việc đặt vũ khí hạt nhân trên hòn đảo này, cách bờ biển Florida của Mỹ chỉ 180km.
Đến ngày 15/10 năm đó, Mỹ mới phát hiện ra kế hoạch của Liên Xô và ngay lập tức, Tổng thống John F. Kennedy cùng các lãnh đạo quân đội Mỹ đã quyết định bao vây Cuba.
Sau 2 tuần vùng biển Cuba sôi sục vì các đội tàu luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, đàm phán giữa Tổng thống Kennedy và lãnh đạo Liên Xô Khrushchev đã đi đến một giải pháp cho cuộc khủng hoảng.
Theo đó, Liên Xô đồng ý dỡ bỏ và chuyển vũ khí của họ ra khỏi Cuba còn Mỹ cam kết sẽ không xâm lược quốc đảo Caribbean nhỏ bé phía Nam. Tổng thống Kennedy cũng được cho là đã bí mật đồng ý với Moscow rằng sẽ rút lui các cụm tên lửa của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đến tháng 11/1962, căng thẳng coi như được xoa dịu hoàn toàn.Những lần Liên Xô và Mỹ suýt “nói chuyện” bằng vũ khí hạt nhân
Nhận định trên New York Times mới đây, nhà phân tích Robert Litwak thuộc Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson cho rằng, căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Triều Tiên giống như là “khủng hoảng tên lửa Cuba phiên bản quay chậm”.
2. Chiến tranh Yom Kippur
Tháng 10/1973, lực lượng Ai Cập và Syria triển khai một cuộc tấn công nhằm vào Israel đúng ngày linh thiêng nhất của người Do Thái với mục đích chiếm lại vùng lãnh thổ để mất trong cuộc chiến Arab – Israel lần thứ 3 năm 1967.
Chính phủ của Thủ tướng Israel Golda Meir đã bị bất ngờ và phản ứng lại bằng việc cho phép kích hoạt và triển khai các đầu đạn hạt nhân cho lực lượng không quân.
Mỹ, đồng minh thân cận của Israel cũng lập tức đưa ra cảnh báo DEFCON-3 và lệnh cho các “pháo đài bay” B-52 sẵn sàng hành động. Mỹ lo ngại rằng nếu Israel sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Syria hay Ai Cập thì Liên Xô cũng sẽ đáp trả Nhà nước Do Thái và khi đó Mỹ phải sẵn sàng có câu trả lời tương xứng.
May mắn là sự can dự của Liên Hợp Quốc đã giúp đạt được một thỏa thuận ngừng bắn giữa Ai Cập và Israel nhưng không phải là trước khi quân đội Israel chịu thương vong nặng nề, còn Syria chịu thất bại quân sự cay đắng khi Israel giành thêm được phần lãnh thổ trên cao nguyên Golan.
3. Tranh cãi về tai nạn hàng không Hàn Quốc năm 1983:
Một trong những hiểu lầm trầm trọng nhất trong Chiến tranh Lạnh là vụ máy bay chiến đấu của Liên Xô bắn rơi máy bay chở khách của Hàn Quốc ngày 1/9/1983, làm 269 người thiệt mạng.
Trong bối cảnh Liên Xô cảnh giác cao độ với máy bay do thám của Mỹ, nước này đã báo động khi máy bay Boeing 747 của Hãng Hàng không Hàn Quốc (Korea Air Lines) bị lệch đường bay từ New York đến Seoul qua Anchorage, Alaska, do chế độ lái tự động gặp trục trặc.
Chiếc máy bay này có ngoại hình khá giống với máy bay do thám của Mỹ như loại Boeing RC-135, do đó, nó đã bị theo dõi sát sao ngay khi lạc vào không phận Liên Xô.
Máy bay quân sự Liên Xô đã bắn cảnh cáo và báo hiệu cho máy bay Hàn Quốc bằng mã quốc tế. Nhưng khi không có tín hiệu trả lời, phi công Liên Xô Gennadi Osipovitch đã được chỉ thị bắn rơi chiếc máy bay này.
Gia đình nạn nhân vụ tai nạn máy bay KAL 007. (Ảnh: News Corp Australia) |
Liên Xô từng bác bỏ việc họ biết về vụ việc trên cho đến khi đính chính rằng máy bay chở khách của Hàn Quốc đã bị nhầm là máy bay do thám.
Với tư cách đồng minh của Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ lúc đó là Ronald Reagan đã cáo buộc vụ “tấn công” này là “tội ác chống lại loài người” và “hoàn toàn không công bằng, phi pháp và phi đạo đức”. Vụ việc thổi bùng nguy cơ nổ ra Chiến tranh Thế giới thứ 3.
Viễn cảnh đó chỉ được ngăn chặn bằng một quyết định tỉnh táo của sỹ quan Liên Xô. Ba tuần sau vụ tai nạn, một trạm cảnh báo sớm của Liên Xô do ông Stanislav Petrov chỉ huy lại phát hiện nhầm một vài tên lửa đạn đạo liên lục địa của Mỹ. Nhưng ông Petrov nhận định rằng đây là báo động giả và đã không báo cáo cấp trên, nhờ đó ngăn chặn căng thẳng leo thang thêm mức độ mới.
4. Cuộc chiến biên giới Pakistan - Ấn Độ
Pakistan đã đặt kho vũ khí hạt nhân của nước này vào tình trạng sẵn sàng sử dụng với nước láng giềng Ấn Độ trong cuộc chiến tranh Karrgil năm 1999 ở vùng lãnh thổ tranh chấp Kashmir.
Khi Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ để ngăn chặn căng thẳng leo thang thành chiến tranh, ông đã thừa nhận với Tổng thống Bill Clinton rằng nước này đã sẵn sàng sử dụng kho vũ khí hạt nhân với đối phương. Ông Sharif tin rằng Ấn Độ cũng sẽ làm điều tương tự.
Tổng thống Mỹ lúc đó đã tác động để Pakistan không sử dụng vũ khí hạt nhân và rút lực lượng khỏi khu vực do Ấn Độ kiểm soát ở Kashmir trước khi thuyết phục được Ấn Độ đồng ý ngừng bắn.
Căng thẳng giữa 2 nước láng giềng Nam Á tiếp tục bùng phát vào những năm 2001 và 2002 sau các vụ tấn công nhằm vào Quốc hội Ấn Độ mà thủ phạm được cho là khủng bố Pakistan.
Hai nước tiếp tục tăng cường hiện diện quân sự dọc Đường ranh giới kiểm soát (LoC) ở Kashmir nhưng đến tháng 10/2002, các nỗ lực ngoại giao quốc tế đã khiến cả Ấn Độ và Pakistan rút bớt quân khỏi biên giới.
5. Căng thẳng Mỹ - Triều 2013
Bài học gần gũi nhất mà đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên Kim Jong-un cần phải xem xét trong bối cảnh họ đều đang giữ những “cái đầu nóng” là căng thẳng của chính 2 nước này vào năm 2013.Chưa thỏa mãn với lệnh trừng phạt Triều Tiên, Mỹ có thể làm gì?
Ngày 7/3/2013, Triều Tiên dọa tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào Mỹ sau khi Liên Hợp Quốc thông qua các lệnh trừng phạt mới nhằm vào nước này.
Nhà Trắng khi đó vẫn giữ bình tĩnh với tuyên bố nước Mỹ “hoàn toàn có khả năng phòng thủ trước bất cứ vụ tấn công nào bằng tên lửa của Triều Tiên”.
Nhưng Bình Nhưỡng không dừng lại ở đó khi một tháng sau khuyến cáo người nước ngoài rời khỏi Hàn Quốc với tuyên bố rằng 2 nước đang trên bờ vực chiến tranh hạt nhân.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lúc đó là ông Ban Ki-moon cũng nhận định tình hình “vượt ngoài tầm kiểm soát”. Tuy nhiên, giới phân tích lúc đó cho rằng về mặt lý thuyết, khó có thể xảy ra một vụ tấn công thực sự.
Sau các lệnh trừng phạt khắt khe chưa từng có của Liên Hợp Quốc mới đây, Triều Tiên đang lặp lại gần như mọi chi tiết gây căng thẳng cách đây 4 năm nhưng lần này là với năng lực hạt nhân và tấn công bằng tên lửa vượt trội nhờ phát triển thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Còn Nhà Trắng của Tổng thống Donald Trump giờ cũng không còn “kiên nhẫn chiến lược” với Triều Tiên nữa. Thế giới có lẽ cần cả giải pháp ngoại giao khôn ngoan và một chút may mắn để xoa dịu tình huống này./.Hé lộ 3 nhân vật đằng sau chương trình tên lửa đạn đạo Triều Tiên