Hàn Quốc điều chỉnh cách chống dịch phù hợp với tình hình mới
Từ một quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao ở châu Á khi đại dịch lan rộng ra toàn cầu vào đầu năm ngoái, đến nay Hàn Quốc được coi là quốc gia khống chế dịch Covid-19 thành công. Hơn thế nữa, nước này đang tích cực thực hiện mong muốn trở thành nơi cung cấp vaccine của toàn cầu. Theo đó, nước này đang xây dựng phương án chuyển đổi sang hệ thống phòng dịch mới phù hợp với tình hình trong nước. Đó là khái niệm mới “With Covid-19”, tạm gọi là “trang trải cuộc sống cùng đại dịch”.
Để xây dựng phương án, Cơ quan quản lý dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết đang tiến hành khảo sát trường hợp tại nước ngoài, để xây dựng một khái niệm cụ thể, cũng như các chỉ số để có thể chuyển đổi toàn bộ hệ thống phòng dịch. Đúng như tên gọi, “With Covid-19” mang ý nghĩa là song hành cùng với đại dịch Covid-19, nhưng khái niệm này vẫn còn mơ hồ, chưa có ý nghĩa chính xác và phương pháp luận cụ thể.
Chính vì vậy, cơ quan phòng dịch đang ưu tiên xác lập khái niệm trước, sau đó mới xây dựng chiến lược phòng dịch phù hợp với tình hình thực tế trong nước. Dự kiến khung cơ bản về khái niệm “With Covid-19” sẽ được công bố vào khoảng cuối tháng 10. Chính phủ Hàn Quốc sẽ căn cứ vào đây để xem xét chuyển đổi toàn diện hệ thống phòng dịch từ tháng 11. Sớm là trong năm nay, Hàn Quốc sẽ song song áp dụng các biện pháp phòng dịch Covid-19, và đưa cuộc sống thường nhật của người dân quay trở lại trước thời điểm bùng phát đại dịch.
Để hiện thực hóa khái niệm này, Hàn Quốc sẽ xúc tiến tích cực hai hoạt động song song đó là đảm bảo nguồn cung vaccine và tăng cường tiêm chủng.
Do có kế hoạch sớm từ trước, có thể nói Hàn Quốc không gặp khó trong việc sở hữu nguồn vaccine. Chỉ tính riêng đầu tháng 9, Hàn Quốc nhận thêm 3.428.000 liều vaccine Pfizer (Mỹ), cùng 526.500 liều vaccine Pfizer và 450.000 liều Moderna (Mỹ) căn cứ theo thỏa thuận trao đổi vaccine với chính phủ Romania.
Chính phủ Hàn Quốc tự tin rằng sẽ đảm bảo đủ lượng vaccine cần thiết để đạt mục tiêu tiêm phòng mũi một cho 70% dân số trước Tết Trung thu, và mũi hai cho 70% dân số tới cuối tháng 10. Để hoàn thành tiêm phòng mũi một cho 70% dân số, tức 36 triệu dân tới ngày 19/9, Hàn Quốc cần phải tiêm thêm cho khoảng 4,68 triệu người từ nay cho tới lúc đó. Điều này không hề khó xét theo nguồn cung vaccine, tốc độ tiêm chủng và số lượng người tiêm bình quân mỗi ngày thời gian gần đây.
Tuy nhiên, không phải cứ có vaccine là có thể tiêm chủng nhanh. Rút kinh nghiệm từ một số nước, Hàn Quốc đang triển khai tiêm chủng một cách nhanh chóng nhờ nguồn cung vaccine được nhập vào trong nước thuận lợi.
Theo thống kê, tính tới 0h ngày 9/9, đã có hơn 31,7 triệu người dân được tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19, tương đương 61,8% dân số. Nếu chỉ tính riêng dân số trên 18 tuổi, đối tượng tiêm chủng mà Hàn Quốc đang áp dụng, thì tỷ lệ tiêm mũi một đạt 70,9%.
Trong quý III, Hàn Quốc đang tập trung tiêm phòng cho đối tượng từ 18-49 tuổi, bắt đầu từ ngày 26/8. Chỉ trong vòng hai tuần sau khi triển khai, tỷ lệ tiêm cho nhóm đối tượng này đã đạt 16%. Đặc biệt, tỷ lệ đăng ký tiêm vaccine còn dư ở nhóm tuổi này cũng cao hơn các nhóm tuổi khác, nên tốc độ tiêm chủng càng được đẩy nhanh hơn.
Như vậy, một lần nữa Hàn Quốc lại đi trước một bước mặc dù sự lây lan của dịch bệnh ngày càng tăng với những biến thể mới. Và cách tốt nhất là thực hiện triệt để những biện pháp, phương án để "sống chung" với dịch bệnh, vừa thúc đẩy kinh tế hồi phục, làm cho cuộc sống người dân trở lại bình thường.
Australia tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng toàn dân
Trong nỗ lực đẩy nhanh hơn nữa việc tiêm vaccine cho người dân, hôm nay (14/9), Australia bắt đầu tiến trình để tiến tới việc cho phép các cơ quan, tổ chức tổ chức tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người lao động.
Trong thông báo đưa ra ngày hôm nay, Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt cho biết để mở rộng chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân, nước này bắt đầu quá trình tuyển chọn các cơ quan, tổ chức có đủ năng lực triển khai tiêm vaccine cho người lao động.
Bằng việc đưa vaccine đến tận nơi mà người lao động đến hàng ngày, việc tiêm vaccine sẽ trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn cho tất cả mọi người. Việc làm này không chỉ khuyến khích các cơ quan, tổ chức vào cuộc mà còn góp phần làm gia tăng tỷ lệ tiêm chủng đối với lực lượng lao động. Vaccine được sử dụng cho việc tiêm tại nơi làm việc chủ yếu là của Pfizer và Moderna còn vaccine AstraZeneca sẽ được dùng khi có yêu cầu. Cũng giống với các địa điểm tiêm chủng khác, khi tham gia tiêm vaccine ở nơi làm việc, người lao động sẽ không phải trả thêm bất kỳ khoản phí nào.
Hiện tại, việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 đang được tiến hành tại các cơ sở tiêm chủng của liên bang, của chính quyền các bang, các hiệu thuốc, phòng khám của bác sỹ gia đình và tại các địa điểm tiêm chủng di động. Việc khởi động kế hoạch đưa nơi làm việc vào danh sách các địa điểm tiêm chủng cho thấy Australia đang dần chuyển sang giai đoạn tiêm chủng thứ 3, theo kế hoạch được bắt đầu từ ngày 15/10 đến ngày 11/12.
Theo Bộ Y tế Australia, đến hôm nay, nước này đã tiêm được hơn 23 triệu mũi vaccine ngừa Covid-19, trong đó 68,5% người từ 16 tuổi trở lên đã được tiêm 1 mũi vaccine và 43,2% người đã tiêm đủ 2 mũi.
Việc ngày càng nhiều người dân được tiêm vaccine đang làm cho tỷ lệ lây lan của Covid-19 giảm, đặc biệt là ở một số vùng điểm nóng thuộc bang New South Wales, nơi dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ nhất tại Australia. Theo thống kê của bang New South Wales, ngày hôm nay bang này ghi nhận 1.127 ca Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca Covid-19 mới phát hiện giảm, kể từ sau khi đạt mức kỷ lục 1599 ca vào hôm 11/9. Tuy vậy chính quyền bang New South Wales vẫn đang rất thận trọng khi chưa khẳng định đã qua đỉnh dịch. Còn tại bang Victoria, số ca bệnh vẫn đang trên đà tăng với 445 ca mới phát hiện ngày hôm nay. Vùng lãnh thổ thủ đô Canberra cũng chưa kiểm soát được dịch, khi hôm nay có thêm 22 ca Covid-19 mới khiến cho lệnh phong tỏa tại đây được kéo dài đến ngày 15/10 tới./.