Dự kiến trong chuyến thăm hai ngày này, hai bên sẽ thảo luận về thực trạng và triển vọng của quan hệ chiến lược Nga - Trung. Điều đáng nói là chuyến thăm chỉ diễn ra vài ngày sau khi mối quan hệ tam giác Mỹ - Trung – Nga bị đẩy lên căng thẳng với cuộc khẩu chiến Mỹ- Trung tại Alaska và những tuyên bố được đánh giá là không phù hợp của Tổng thống Joe Biden với nhà lãnh đạo Nga, buộc nước này phải triệu hồi Đại sứ về để tham vấn.
Căng thẳng gia tăng đến mức người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov không bác bỏ khả năng xảy ra Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Nga: “Không có ích gì cho mối quan hệ song phương với những tuyên bố không phù hợp. Vẫn có cơ hội để đối thoại mặc dù cánh cửa này sẽ không mãi để ngỏ. Chúng tôi luôn hi vọng vào những điều tốt nhất, nhưng cũng sẵn sàng cho những điều tồi tệ nhất”.
Trong khi đó cuộc gặp cấp cao đầu tiên Mỹ - Trung dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden diễn ra căng thẳng với những màn đầu khẩu công khai giữa hai bên.
Với việc phía Mỹ không ngần ngại đề cập thẳng thắn những vấn đề nhạy cảm giữa hai bên, không ngừng công kích chính sách của Trung Quốc, Chủ nhiệm văn phòng công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì nói: "Điều quan trọng là Mỹ cần phải thay đổi hình ảnh của mình và dừng áp đặt lên các quốc gia khác. Trung Quốc kiên quyết phản đối việc Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Chúng tôi đã bày tỏ sự phản đối kiên quyết trước sự can thiệp đó và sẽ có những hành động cứng rắn để đáp trả".
Có thể nói sau 2 tháng cầm quyền với những bước đi mới nhất trong tuần qua đang định hình rõ nét chính sách đối ngoại của Tổng thống Joe Biden với Trung Quốc và Nga. Theo đó Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách cứng rắn, đối đầu và cạnh tranh với Nga và Trung Quốc.
Theo như Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Mỹ muốn hướng đến mối quan hệ rõ ràng hơn với các quốc gia: “Tôi đã nói rằng mối quan hệ của của Mỹ với Trung Quốc sẽ cạnh tranh ở lĩnh vực cần có, hợp tác ở lĩnh vực có thể và đối đầu khi cần thiết. Mục đích của Mỹ là đề cập thẳng thắn về mối quan tâm cũng như các ưu tiên của Mỹ, với mục tiêu là hướng tới một mối quan hệ rõ ràng hơn giữa các quốc gia trong tương lai”.
Tuy nhiên khác hẳn với mô hình “đơn thương độc mã” của Mỹ dưới thời chính quyền ông Donald Trump, Tổng thống Joe Biden coi trọng sự phối hợp với các đồng minh, mở rộng không ngừng hệ thống đối tác trên thế giới. Điều đó được thể hiện qua những bước đi của Mỹ trong những ngày qua. Không chỉ củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với các đồng minh châu Âu, Mỹ cũng đang mở rộng quan hệ đối tác tại các khu vực với cuộc gặp Thượng đỉnh của nhóm Bộ tứ bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản hay chuyến công du Đông Bắc Á của Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Mỹ gần đây.
Trong bối cảnh đó, nếu Trung Quốc và Nga không nhanh chóng xích lại lại gần nhau, hai nước này có thể bị cô lập về mặt ngoại giao ngay trên chính “sân nhà” là châu Âu và châu Á. Do đó chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga tới Trung Quốc được đánh giá là bước đi kịp thời trước tình hình chính trị quốc tế có nhiều thay đổi, chủ yếu là đến từ những dịch chuyển trong chính sách đối ngoại của Mỹ và phương Tây./.