Hiện nay, việc tranh chấp về Biển Đông đang diễn biến phức tạp đối với nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Một trong những biện pháp tài phán theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 đang được nhiều quốc gia lựa chọn là thủ tục Trọng tài được thành lập theo Phụ lục 7 bởi tính linh hoạt và mềm dẻo.
Sau phán quyết của Tòa trọng tài (PCA) ngày 12/7/2016 về vụ kiện của Philippines - Trung Quốc thì thủ tục giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được thành lập theo Phụ lục 7 của UNCLOS 1982 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia đang có tranh chấp biển và giới học giả trên thế giới.
Giáo sư Gregory L Rose trả lời báo chí |
Về vấn đề này, phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Gregory L Rose, luật sư quốc tế, Trưởng Chuyên ngành Luật, Đại học Wollongong, Australia, người vừa tham gia hội thảo quốc tế “Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục 7 của UNCLOS 1982”.
PV: Xin Giáo sư cho biết, cuộc hội thảo quốc tế “Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục 7 của UNCLOS 1982” có ý nghĩa như thế nào đối với những người nghiên cứu về Luật quốc tế như Giáo sư?
Giáo sư Gregory L Rose: Có 3 lý do mà tôi muốn đến tham dự hội thảo này. Thứ nhất, đây là vấn đề quan trọng, thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới trong bối cảnh hiện nay.
Hội thảo này giải thích một điều quan trọng là việc áp dụng các luật pháp quốc tế về mối quan hệ trên biển. Phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục 7 của UNCLOS 1982 liên quan đến chính trị, địa chính trị và là cuộc chơi của luật pháp quốc tế.
PV: Giáo sư cho biết quan điểm của mình về phán quyết của Tòa trọng tài ngày 12/7 vừa qua đối với vụ Philippines kiện Trung Quốc?
Giáo sư Gregory L Rose: Để nói hết về vụ việc này thì rất khó, vì đây là phán quyết dài 500 trang. Nó liên quan đến những vấn đề rất lớn, do những thẩm phán công bố. Nó liên quan đến chính trị và pháp lý.
Vấn đề quan trọng mà tôi muốn nói ở đây là các trọng tài đã đưa ra một quan điểm thống nhất về vấn đề quan trọng này. Tôi cho rằng, các trọng tài đã đưa ra một phán quyết hợp lý và hợp pháp. Tòa trọng tài đã rất cẩn trọng, đưa ra những giải thích xác đáng.
Tất nhiên, điều tôi vừa nói không có nghĩa là hoàn hảo, bởi phán quyết nó cũng có điểm yếu, điểm mạnh. Chúng ta cần có thêm thời gian để phân tích sâu hơn.
PV: Với những kiến thức của Giáo sư và các đồng nghiệp, thời gian tới, Đại học Wollongong sẽ hợp tác như thế nào với Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh để nghiên cứu sâu hơn về Luật Biển?
Giáo sư Gregory L Rose: Một trong những lý do tôi đến đây là tôi có biết 3 học giả của Việt Nam đã từng học ở trường chúng tôi. Chúng tôi vui mừng khi họ đã có thành công nhất định ở Việt Nam.
Khi gặp gỡ với vị Phó Hiệu trưởng Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, tôi rất vui mừng. Ngoài quan hệ cá nhân, chúng tôi đã bàn đến vấn đề hợp tác. Chúng tôi sẽ có những trao đổi về học thuật và nghiên cứu về Luật quốc tế với Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
PV: Cảm ơn Giáo sư!./.