Thỏa thuận ngừng bắn đạt được, dưới sự trung gian của Ai Cập, có hiệu lực từ 16h (giờ GMT) ngày 26/08, chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần 2 tháng, nhưng đã cướp đi sinh mạng của 2.143 người Palestine, trong đó phần lớn là dân thường.
Quân đội Israel hôm qua cho biết không ghi nhận bất kỳ vụ tấn công bằng rocket nào từ phía Dải Gaza, đồng thời khẳng định, nước này cũng sẽ không tiến hành bất kỳ cuộc không kích nào.
Tại Gaza, các cửa hàng mở cửa trở lại, trong khi các con tàu đánh cá cũng bắt đầu ra khơi, các cửa khẩu giữa Israel và Gaza sẽ được mở lại, các lệnh phong tỏa mà Israel áp đặt với Gaza từ năm 2006 cũng sẽ được nới lỏng.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên kể từ năm 2007 khi Israel tăng cường bao vây cấm vận với Gaza, một đoàn xe cứu trợ nhân đạo của Chương trình lương thực thế giới đã có thể qua biên giới Ai Cập để vào Dải Gaza, với lượng lương thực có thể đủ cho 150.000 người sống trong 5 ngày.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến hoài nghi cho rằng không nên lạc quan quá sớm. Trước khi nghĩ tới tương lai, cần có một lệnh ngừng bắn bền vững. Bởi hiện vẫn còn nhiều khúc mắc chưa được tháo gỡ.
Thực tế là ngoại trừ một số nhượng bộ mang tính nhân đạo như nới lỏng kiểm soát biên giới để lưu thông hàng cứu trợ từ Israel, Hamas không thể buộc đối thủ thả các tay súng của mình hay chấp nhận xây hải cảng tại Gaza.
Ngược lại, Israel chưa thể chấm dứt hoàn toàn nguy cơ bị Hamas tấn công bằng rocket trong tương lai. Một yếu tố cũng có thể làm bùng phát căng thẳng là việc cả Israel và phong trào vũ trang Hamas tại Dải Gaza đều tuyên bố giành “chiến thắng lịch sử” trong cuộc chiến này.
Các nhà phân tích lo ngại, những ý kiến thổi phồng hay công kích từ hai phía có thể làm thổi bùng căng thẳng và cũng giống như những lần trước đó, lệnh ngừng bắn có thể lại bị phá vỡ.
Trong một phát biểu công khai đầu tiên tại Jerusalem kể từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố chiến dịch tấn công Gaza là một thắng lợi chính trị-quân sự vĩ đại, đồng thời nhấn mạnh, Hamas đã phải ký thỏa thuận ngừng bắn mà không đạt được bất kỳ mục tiêu nào.
“Liệu có phải chúng ta đã đạt được mục tiêu về một lệnh ngừng bắn dài hạn. Tôi cho rằng vẫn còn quá sớm để nói về điều này. Song tôi có thể nói rằng, chúng ta đã đánh bại Hamas và các nhóm khủng bố”, ông Netanyahu nói.
Trong khi đó, Hamas cũng tuyên bố cuộc kháng chiến vũ trang của người Palestine đã thành công, "khiến Israel phải bẽ bàng và người Palestine nhận được sự khâm phục của toàn thế giới".
Chính vì thế, các nhà quan sát đều có chung nhận định đây đúng hơn là một “trận hòa” vì không bên nào đạt được mục đích cuối cùng và việc cả hai bên chấp nhận ngừng bắn bởi vì họ đã quá mệt mỏi. Và có thể đây chỉ là một khoảng lặng trước bão lớn.
Liên minh châu Âu hôm qua đã hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn lâu dài tại Gaza, song kêu gọi các bên dàm phán ngay lập tức về một thỏa thuận toàn diện và bền vững. Theo Liên minh châu Âu, một thỏa thuận bền vững sẽ giải quyết tất cả căn nguyên của cuộc xung đột và dẫn tới sự thay đổi căn bản tình hình ở Gaza./.