Tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Washington tiếp tục xem xét đến khả năng trừng phạt các công ty tham gia vào việc thi công Dòng chảy phương Bắc 2. Mặc dù chính phủ Đức đã bác bỏ khả năng này nhưng Berlin không loại trừ việc Washington sẽ áp đặt một số quy định hạn chế lên một quỹ tài trợ của Đức được thành lập để hỗ trợ dự án trên.

Chính phủ Đức đã đàm phán với chính quyền Mỹ trước đó nhằm ngăn cản việc áp các lệnh trừng phạt lên Dòng chảy phương Bắc 2 và sẽ tiếp tục tìm cách trao đổi với các nhà chức trách mới ở Washington về vấn đề này.

Phía Đức nhấn mạnh, nước này sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác châu Âu liên quan đến vấn đề trừng phạt thứ cấp.

"Cả EU và các nước thành viên, cùng với chính phủ Đức sẽ tiếp tục tìm cách đối thoại về vấn đề này với chính quyền Mỹ mới", phía Đức cho hay.

Tuần trước, Reuters dẫn lời người phát ngôn chính phủ Đức cho biết có một cuộc trao đổi đang diễn ra giữa Washington và Berlin liên quan đến dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Trước bài báo của Reuters, Bộ Ngoại giao Đức đã bác bỏ về các cuộc đàm phán ở cấp độ như vậy với Nhà Trắng.

"Tôi vẫn chưa được thông báo về những cuộc đàm phán như vậy", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Maria Adebahr khẳng định.

Những tuyên bố như vậy được đưa ra chỉ vài ngày sau khi một công ty con của công ty bảo hiểm Đức Munchener Ruck chấm dứt hợp đồng với dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Động thái được đưa ra không lâu sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Washington đang tiếp tục xem xét khả năng trừng phạt các công ty liên quan đến dự án này.

Mỹ đã áp một số quy định hạn chế với Dòng chảy phương Bắc 2, dẫn đến một số công ty rút khỏi dự án. Thủ tướng Đức Angela Merkel chỉ trích mạnh mẽ những đe dọa của Mỹ nhằm áp đặt lệnh trừng phạt thứ cấp lên Dòng chảy phương Bắc 2. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Biden đã gọi dự án năng lượng này là "một thỏa thuận tồi cho châu Âu", song đã rút lại thông báo gia tăng trừng phạt.

Dòng chảy phương Bắc 2 gồm 2 đường ống có thể vận chuyển 55 tỷ mét khối khí đốt từ Nga tới châu Âu qua Biển Baltic.

Bất chấp sự ủng hộ của Đức, Áo cùng một số bên với dự án này, Mỹ đe dọa các quốc gia tham gia vào Dòng chảy phương Bắc 2 có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt, đồng thời khẳng định đường ống trên đe dọa đến an ninh châu Âu. Mỹ đang nỗ lực đẩy Nga khỏi thị trường khí tự nhiên châu Âu để nước này bán được nhiều khí tự nhiên hóa lỏng hơn cho khu vực./.