Ngày 10/3, thêm nhiều nhà lãnh đạo, các tổ chức doanh nghiệp trên thế giới tiếp tục phản ứng việc Tổng thống Donal Trump ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới, 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu.
Theo họ, động thái này có thể khơi mào hàng loạt cuộc chiến thương mại trên thế giới trong tương lai, đồng thời gây thiệt hại cho chính các nhà sản xuất và người dân Mỹ.
Quyết định này của ông Donal Trump đã bị phía châu Âu phản đối mạnh mẽ. Theo các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao châu Âu, thì đây là “chủ nghĩa bảo hộ và là sự quay lưng của Mỹ với các đối tác gần gũi”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một tuyên bố bày tỏ quan ngại trước quyết định của Tổng thống Donal Trump, đồng thời kêu gọi tiến hành các cuộc thảo luận về vấn đề này. Người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất châu Âu khẳng định Đức ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) "tìm kiếm đối thoại với Mỹ", cũng như với các nước có thể chịu tác động trước động thái trên của Mỹ.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte chỉ trích việc Tổng thống Donal Trump ký sắc lệnh áp mức thuế mới đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu, coi đây là quyết định đơn thuần mang tính “bảo hộ”.
Theo ông Mark Rutte, châu Âu cần phải chuẩn bị các biện pháp trả đũa: “Châu Âu cần phải phát ra những tín hiệu rõ ràng, đó là phải đưa ra các biện pháp trả đũa. Ngoài ra, chúng ta cũng cần chuẩn bị thêm các chính sách khác để đáp trả”.
Bộ trưởng Kinh tế Pháp, Bruno Le Maire cũng tuyên bố lấy làm tiếc về quyết định của ông Donal Trump, khẳng định một cuộc chiến thương mại sẽ chỉ khiến tất cả các bên thua thiệt, đồng thời cho biết Pháp và Liên minh châu Âu sẽ nghiên cứu các biện pháp đáp trả thích hợp.
Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc họp báo ở
Ông Katainen cũng nói rằng, Liên minh châu Âu mong muốn Mỹ làm rõ hơn về cách thức mà các mức thuế mới sẽ được triển khai, trong bối cảnh EU kêu gọi được miễn trừ khỏi các biện pháp đánh thuế mới.
Cũng trong ngày hôm qua, các doanh nghiệp trên thế giới tiếp tục lên tiếng trước quyết định của Mỹ áp thuế cao đối với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu. 4 hiệp hội công nghiệp lớn của Đức đã cảnh báo về “sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ” với quyết định của Tổng thống Donal Trump, đồng thời hối thúc Chính phủ Đức và EU giữ cam kết đảm bảo thương mại tự do.
Tập đoàn thép Voestalpine của Áo cho biết sẽ cân nhắc lại các khoản đầu tư tại Mỹ trước việc Chính phủ Mỹ áp đặt mức thuế mới đối với mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu. Trong những năm gần đây, Voestalpine đã đầu tư 1 tỷ 400 triệu USD tại thị trường Mỹ, tạo ra 3 nghìn việc làm. 49 chi nhánh của tập đoàn này tại Mỹ đã thu về khoảng 1,5 tỷ USD doanh thu năm ngoái.
Trong khi đó, tập đoàn sản xuất nhôm Norsk Hydro ASA của Na Uy cũng dự đoán quyết định của Mỹ về tăng thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động của công ty đồng thời cho rằng, việc ban hành các hàng rào thương mại đơn phương như hạn ngạch và thuế sẽ tác động tiêu cực đến Tập đoàn này và có thể bóp méo thương mại thông thường".
Trước phản ứng mạnh mẽ của các nước và doanh nghiệp trên thế giới đối với động thái tăng thuế nhập khẩu đối với hai mặt hàng nhôm và thép của Mỹ, Tổ chức Thương mại Thế giới đã phải lên tiếng kêu gọi các quốc gia thành viên cần hành động để "ngăn chặn hiệu ứng domino đầu tiên" của các đòn trừng phạt và trả đũa, báo hiệu một cuộc chiến tranh thương mại đang hình thành.
Trước đó, ngày 8/3, bất chấp sự phản đối của đông đảo các doanh nghiệp và các nghị sĩ, Tổng thống Mỹ Donal Trump đã ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới, 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu.
Theo quyết định của Tổng thống Donal Trump, các quy định mới về thuế sẽ bắt đầu có hiệu lực trong vòng 15 ngày. Mỹ là nước nhập khẩu thép lớn nhất thế giới với lượng nhập khẩu gấp 4 lần so xuất khẩu, trong khi lượng nhôm nhập khẩu cao gấp 5 lần sản lượng nhôm sản xuất tại Mỹ năm 2016.
Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng chính sách tăng thuế thép và nhôm là cần thiết để bảo vệ ngành chế tạo và tầng lớp lao động Mỹ, vốn chịu nhiều thiệt hại do các hành động thương mại "gây hấn" của nhiều đối tác nước ngoài.
Khi công bố áp thuế mới, Tổng thống Mỹ Donal Trump đã tuyên bố Canada và Mexico sẽ được loại ra khỏi danh sách bị áp thuế, các nước khác thì có thể đàm phán để giảm mức thuế./.