Trong bối cảnh số bệnh nhân Covid-19 tại Anh đang gia tăng nhanh chóng mỗi ngày, chính phủ Anh ngày 13/03 công bố chiến lược ngăn chặn gây tranh cãi gay gắt khi cho rằng cần chấp nhận 60% dân số Anh nhiễm bệnh để tạo nên miễn dịch cộng đồng, qua đó đẩy lùi Covid-19.
Trưởng cố vấn khoa học Chính phủ Anh, ông Patrick Vallance. Ảnh chụp màn hình: Sky News. |
Chiến lược ngăn chặn dịch Covid-19 được Cố vấn trưởng khoa học của chính phủ Anh là ông Patrick Vallance công khai tuyên bố trong ngày 13/03 trong một buổi trả lời phỏng vấn trên đài BBC. Theo ông Vallance, chính phủ Anh không tìm mọi cách để dập dịch mà chỉ trì hoãn, kéo dài thời gian, hạ thấp đỉnh dịch và chấp nhận một số lượng lớn người dân sẽ nhiễm bệnh, để qua đó tạo nên miễn dịch cộng đồng.
Theo chiến lược này, có thể 60% dân số Anh tức khoảng trên 40 triệu người sẽ nhiễm Covid-19 nhưng sau một thời gian sẽ có một số lượng người có miễn dịch đủ lớn, hoặc thông qua tiêm vaccine, hoặc qua việc cơ thể tự phát triển miễn dịch, để ngăn chặn virus. Ông Vallance nhận định rằng đây là cách tiếp cận tốt nhất vì có thể ngăn được dịch quay lại trong tương lai.
Tuy nhiên, ngay sau khi chiến lược này được công khai, dư luận Anh đã tranh cãi gay gắt. Rất nhiều chuyên gia y tế Anh phản đối chiến lược này vì cho rằng nó có hai thiếu sót lớn, đó là hiện nay thế giới chưa có vaccine chống Covid-19 và không biết khi nào sẽ có. Quan trọng hơn, việc thực thi chiến lược này đồng nghĩa với việc chính phủ Anh chấp nhận thiệt hại sinh mạng lớn của người dân Anh.
Tiến sỹ Jeremy Rossman, một chuyên gia về vi rút học của Trường Đại học Kent đánh giá, nếu thực hiện theo chiến lược của chính phủ Anh, cần phải có ít nhất 47 triệu người Anh nhiễm Covid-19 mới có thể tạo nên miễn dịch cộng đồng. Với tỷ lệ tử vong hiện nay của dịch Covid-19, kể cả nếu tính ở mức thấp nhất là 1% thì cũng sẽ có gần 500.000 người dân Anh thiệt mạng. Con số thực tế có thể cao hơn nhiều vì từ thống kê cho thấy, từ khi dịch bùng phát, tỷ lệ tử vong ở Trung Quốc là trên 3% còn tại Italia thậm chí lên tới trên 6%.
Nhiều chính trị gia Anh cũng chỉ trích kịch liệt chiến lược này. Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown cho rằng chính phủ Anh chỉ đang che giấu sự yếu kém và thiếu chuẩn bị cho việc đối phó đại dịch hiện nay. Samantha Flower, một thành viên đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson thì cho rằng chiến lược này là một tội ác chống lại đất nước.
Trong lúc này, số ca nhiễm Covid-19 tại Anh tính đến hết ngày 13/03 theo số liệu chính thức đã tăng lên 790 ca. Tuy nhiên, chính các thành viên chính phủ Anh hôm 12/3 từng thừa nhận, trên thực tế nước này có thể đã có khoảng gần 10.000 ca nhiễm bệnh vì nhiều người không được xét nghiệm.
Đứng trước sức ép và sự chỉ trích ngày càng gay gắt của dư luận Anh về việc không sớm đưa ra các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch giống như các nước châu Âu khác, Thủ tướng Anh Boris Johnson trong ngày hôm nay dự định sẽ ban hành một loạt lệnh cấm tụ tập đông người cũng như đóng cửa các địa điểm công cộng.
Trong số những nước châu Âu đang chứng kiến dịch Covid-19 bùng phát, Anh là nước duy nhất chưa thực hiện các biện pháp này. Nữ hoàng Anh trong ngày hôm nay(14/3) cũng đã thông báo huỷ bỏ mọi kế hoạch hoạt động bên ngoài.