Tình hình tại Ai Cập vốn căng thẳng kể từ sau khi Tổng thống Mohamed Morsi bị lật đổ, nay lại càng có nguy cơ lún sâu vào bạo lực khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak, người bị lật đổ hai năm về trước được trả tự do.

Điều mà đông đảo người dân Ai Cập cần hiện nay là một cuộc sống ổn định, không bạo lực.

Kết quả cuộc điều tra được Trung tâm thăm dò dư luận Ai Cập (Baseera) công bố hôm 22/8 cho thấy: 67% người dân nước này “hài lòng” về chiến dịch giải tán hai cuộc biểu tình ngồi của những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi được lực lượng an ninh tiến hành hôm 14/8 vừa qua tại thủ đô Cairo và tỉnh Giza kế bên.

canh%20sat%20ai%20cap%20tran%20ap%20bieu%20tinh.jpg
Cảnh sát Ai Cập trấn áp biểu tình (ảnh: Reuters)

Điều mà nhiều người dân Ai Cập mong muốn nhất lúc này là sự ổn định và an ninh sẽ trở lại với Ai Cập để họ có thể yên tâm làm ăn.

Một số người dân Ai Cập cho biết: “Người dân Ai Cập đang phải đối mặt với tình hình bạo lực và khủng bố đầy nguy hiểm. Xã hội Ai Cập đang bị đe dọa. Vấn đề không chỉ nằm ở sự chia rẽ về mặt xã hội. Vấn đề ở đây là sự ổn định của Ai Cập đang bị đe dọa”.

“Nếu đất nước Ai Cập không có sự ổn định về mặt chính trị thì kinh tế không thể ổn định để phát triển. Điều đầu tiên cần làm để khôi phục kinh tế là an ninh phải được đảm bảo. Một khi vấn đề an ninh được giải quyết, các vấn đề khác như kinh tế, phát triển du lịch sẽ dần hồi phục trở lại.”

Trong khi đó, 24% số người được hỏi ý kiến phản đối và 9% số người khác không có ý kiến gì về việc lực lượng an ninh thực hiện chiến dịch giải tán hai cuộc biểu tình ngồi của những người ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi.

Đặc biệt, chỉ có 24% ý kiến cho rằng chính quyền Ai Cập đáng lẽ nên dành thêm thời gian cho các cuộc đàm phán và 70% số ý kiến khẳng định thời gian dành cho Tổ chức Anh em Hồi giáo đã quá đủ và không nên trao thêm cơ hội cho phong trào này.

Tuy có 65% số người được hỏi nhận định rằng, chiến dịch của cảnh sát không mang tính chất quá bạo lực, song có tới 56% số ý kiến lại cho rằng số người thiệt mạng quá cao, trong đó nguyên nhân xuất phát từ người biểu tình.

Cuộc điều tra này được tiến hành qua điện thoại từ ngày 19 đến ngày 21/8, với gần 1.400 người trên 18 tuổi.

Trong khi đó, hôm 22/3, cảnh sát Ai Cập bắt giữ thêm 19 thành viên cao cấp của Tổ chức Anh em Hồi giáo, trong đó có ông Ahmed Abu Baraka, một lãnh đạo của tổ chức này đồng thời là cựu nghị sĩ, và người phát ngôn chính thức của Tổ chức Anh em Hồi giáo là ông Ahmed Aref .

Theo các nguồn tin an ninh, ông Aref bị bắt tại quận Nasr City ở phía Đông Bắc Cairo và ngay lập tức bị cơ quan công tố ra lệnh giam giữ trong thời hạn 15 ngày.

Trước đó, cũng vào hôm qua, Bộ trưởng Nội vụ Ai Cập Mohamed Ibrahim xác nhận chiến dịch trấn áp của cảnh sát sẽ tiếp tục cho tới khi bắt giữ hết tất cả các thành viên của Tổ chức Anh em Hồi giáo đang bị lệnh truy nã.

Trong khi đó, cơ quan công tố tiếp tục đưa ra các cáo buộc mới, trong đó có tội kích động giết người và tra tấn người biểu tình, đối với Thủ lĩnh tinh thần tối cao của Tổ chức Anh em Hồi giáo Mohamed Badie.

Liên quan đến vụ cựu Tổng thống Hozni Mubarak được trả tự do, tối 22/8, ông Mubarak đã được chuyển từ nhà tù Tora tới một bệnh viện quân y tại quận Maadi ở khu vực ngoại ô phía Nam thủ đô Cairo.

Tuy nhiên, Thủ tướng lâm thời Hazem al-Beblawi đã ra lệnh quản thúc tại gia đối với ông Mubarak do lo ngại việc phóng thích nhà cựu lãnh đạo 85 tuổi này có thể kích động các cuộc biểu tình trong bối cảnh xung đột bạo lực đã làm ít nhất 900 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương kể từ ngày 14/8 đến nay. Ông Mubarak đã đề đạt nguyện vọng được thi hành lệnh quản thúc tại bệnh viện Madi trong khi chờ phiên tòa mới xét xử ông “về tội tham nhũng và sát hại người biểu tình”.

Cựu Tổng thống Mubarak bị bắt giam ngày 12/4/2011 và đến tháng 6/2012 bị kết án tù chung thân liên quan đến các cáo buộc sát hại người biểu tình tại Ai Cập trong cuộc bạo động tháng 1/2011.

Đến tháng 1/2013, Tòa Phúc thẩm Cairo đã chấp thuận đơn kháng cáo và yêu cầu xét xử lại cựu Tổng thống Mubarak, hai con trai, Bộ trưởng Nội vụ Habib al-Adly và 6 phụ tá của ông vì phát hiện những sai phạm trong thủ tục tố tụng của phiên sơ thẩm. Dự kiến, sau 3 lần đình hoãn kể từ tháng 5/2013, phiên tòa này sẽ được tổ chức vào ngày 25/8 tới./.