Sau 2 ngày thảo luận (23 - 24/5), vòng đàm phán giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ là Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc + Đức) đã kết thúc tại thủ đô Baghdad, Iraq mà không đạt được bước tiến nào. Hai bên nhất trí sẽ gặp lại nhau trong ngày 18 - 19/6 tới tại thủ đô Moscow (Nga).

Vẫn ở thế giằng co

oi-troi-oi-hat-nhan.jpg

Nhóm P5+1 đề nghị Iran chấm dứt làm giàu urani, vì lo ngại quốc gia này sẽ sớm có khả năng làm giàu urani ở cấp độ tới 90% (Trong ảnh: Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadineja đi thăm một cơ sở làm giàu urani Nataz -ảnh: Internet)

Iran một mặt nỗ lực thể hiện thiện trí hợp tác, mặt khác kiên quyết không thay đổi chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình của mình. Trong khi đó, Mỹ và phương Tây vẫn liên tục gia tăng sức ép với Iran bằng “chiêu bài” áp đặt lệnh trừng phạt.

Tại cuộc họp lần này, cao ủy châu Âu phụ trách chính sách đối ngoại Catherine Ashton thay mặt nhóm P5+1 đưa ra một bản đề xuất bày tỏ những quan ngại về việc Iran làm giàu urani ở mức độ tinh khiết đến 20%.

Người phát ngôn của bà Ashton cho biết: “Chúng tôi đặt một lời đề nghị mới lên bàn nghị sự trong đó thể hiện mối lo ngại của chúng tôi về chương trình hạt nhân của Iran và đặt dấu chấm hỏi cho việc làm giàu urani ở mức tinh khiết 20%. Chúng tôi mong Iran sẽ có phản ứng tích cực đối với lời đề nghị này nhằm giải đáp những quan ngại của cộng đồng quốc tế và thực hiện nghĩa vụ theo nghị quyết của HĐBA và những báo cáo của IAEA”.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, việc tổ chức cuộc gặp cấp chuyên gia (trước khi diễn ra hội nghị) cho thấy rằng, Iran có sự chuẩn bị nghiêm túc và sẵn sàng tham gia vào vòng đàm phán của P5+1. Nga tin rằng, Iran sẵn sàng thực hiện các bước tiếp theo trong tiến trình đàm phán hạt nhân. Ngoại trưởng Nga cũng cho rằng “cách tiếp cận từng bước” của Iran có thể là thước đo để các nước phương Tây đánh giá và nới lỏng những lệnh cấm vận đối với Tehran.

Ông Lavrov nói thêm: “Không nghi ngờ gì nữa, chúng tôi tin tưởng rằng cần phải có những bước tiếp cận đến một giải pháp mang tính khả thi. Chúng ta phải hiểu rằng không có một biện pháp tức thì nào mà đó là cả một quá trình. Ở giai đoạn này, chúng tôi muốn thấy một kết quả cụ thể rằng: Iran sẽ nỗ lực thực hiện các yêu cầu của cộng đồng quốc tế và các nước sẽ nới lỏng lệnh cấm vận đối với Iran”.

Còn Bộ trưởng Bộ Công nghệ Thông tin và Truyền thông Iran Reza Taqipour bày tỏ hy vọng vòng đàm phán của Iran với nhóm P5+1 sẽ thành công. Ông Taqipour cho biết nước này sẵn sàng hợp tác với IAEA trong khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Ông nói: “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với IAEA. Trong quá khứ, đã nhiều lần sự kỳ vọng của phương Tây nằm ngoài những qui định đề ra và chúng tôi đã nhiều lần khẳng định chúng tôi chỉ hoạt động trong khuôn khổ nguyên tắc và thỏa thuận mà chúng tôi đã ký. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó”.

“Cơ sở chung”còn hẹpPhát biểu trong cuộc họp báo kết thúc đàm phán, bà Ashton cho biết tại vòng đàm phán lần này, cả hai bên đều tỏ thiện chí muốn đạt được tiến bộ và trên thực tế “đã có một số cơ sở chung”.

Theo đánh giá của bà Ashton, tuy vẫn còn những khác biệt lớn, song hai bên đã nhất trí về sự cần thiết có thêm các cuộc thảo luận để mở rộng các cơ sở chung. Bà bày tỏ hy vọng vòng đàm phán tiếp theo tại Moscow sẽ đạt được sự đột phá theo hướng chấm dứt cuộc tranh cãi về chương trình hạt nhân của Iran.

Trong khi đó, Người phát ngôn của EU, ông Michael Mann cho biết tuy không đạt được bất kỳ sự đột phá nào, nhưng những gì thảo luận tại vòng đàm phán lần này là cơ sở để có các cuộc đàm phán tiếp theo.

Nhóm P5+1 đề nghị Iran chấm dứt làm giàu urani, vì lo ngại quốc gia này sẽ sớm có khả năng làm giàu urani ở cấp độ tới 90%, đủ mức để chế tạo vũ khí hạt nhân. Nhóm P5+1 còn yêu cầu Iran chuyển số urani đã làm giàu ở cấp độ 20% hiện có ra nước ngoài để đổi lấy các nhiên liệu phục vụ lò phản ứng hạt nhân của Tehran.

Trong khi đó, phía Iran kiên quyết yêu cầu Nhóm P5+1 trước hết phải nới lỏng các biện pháp trừng phạt để đổi lấy sự nhượng bộ từ Tehran trong vấn đề làm giàu urani. Iran một lần nữa khẳng định quyền được làm giàu urani để phục vụ mục đích nghiên cứu y học và sản xuất điện, đồng thời cho rằng đề xuất của họ có tính toàn diện và khả thi hơn, song không nhận được sự nhất trí của Nhóm P5+1.

Vòng đàm phán giữa Iran và Nhóm P5+1 diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh châu Âu thỏa thuận từ ngày 1/7 tới sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Iran, trong đó có việc cấm các hoạt động giao dịch với các ngân hàng của Iran và ngừng toàn bộ việc nhập khẩu dầu mỏ từ quốc gia này. 

Chìa khóa vẫn nằm trong tay các cường quốcGiới phân tích quốc tế cho rằng, thời gian gần đây mặc dù các bên tham gia đàm phán đều tỏ ra mong muốn nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Iran, nhưng trên thực tế không có nước nào muốn đàm phán thực sự thành công.

Quan điểm mập mờ này có thể giúp Tổng thống Obama tránh đòn công kích của đối thủ rằng ông “quá mềm mỏng với Iran”, vì thế, từ nay đến trước khi cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra tại Mỹ, tình hình “không rõ ràng” như hiện nay vẫn sẽ được duy trì.

Còn đối với Nga và Trung Quốc, việc sử dụng vấn đề hạt nhân Iran làm con bài chính trị, nhằm duy trì thế “cân bằng chiến lược” với Mỹ và phương Tây. Dư luận cho rằng cả các bên tham gia đàm phán, trước hết là Mỹ, Nga, Trung Quốc và Iran đều chưa thực sự muốn đàm phán để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran trong thời điểm hiện nay. Vì thế, cuộc đàm phán vừa qua chưa có tiến bộ là điều có thể hiểu được./.