Các nhà khoa học Trung Quốc vừa phát hiện một hóa thạch giống bọt biển với niên đại khoảng 600 triệu năm tuổi, có mặt trên trái đất sớm hơn tới 60 triệu năm so với những động vật đa bào nguyên thủy đã từng được tìm thấy trước đây.

Viện Địa chất học và Cổ sinh vật học Nam Kinh thuộc viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết, hóa thạch nhỏ xíu này có kích thước chỉ khoảng 3mm3, được phát hiện tại một khu sinh vật tại tỉnh Quý Châu. Nó có 3 khoang hình ống, bề mặt có độ xốp cao. Phát hiện mới này chứng tỏ từng tồn tại các loài động vật giống như bọt biển nguyên thủy sống trước kỷ Cambri, tức là sớm hơn nhiều so với các giả thuyết về sự tồn tại của tổ tiên các loài động vật được đưa ra trước đây.

Ông Ân Tống Quân, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Địa chất học và cổ sinh vật học Nam Kinh cho biết: “Tổ tiên của các loài động vật dường như xuất hiện cách đây ít nhất 600 triệu năm. Nghiên cứu sinh học phân tử phỏng đoán rằng chúng thậm chí tồn tại khoảng 700 triệu năm về trước, nhưng đến nay chưa tìm thấy hóa thạch nào để chứng tỏ điều đó. Những ghi chép về các hóa thạch trong các nghiên cứu trước đây mới chỉ lần theo dấu vết của các loài động vật xuất hiện từ 535 triệu năm trước là sớm nhất. Nhưng phát hiện mới này của chúng tôi đã đi tới gần hơn với ngày phỏng đoán từ các nghiên cứu sinh học phân tử.”./.