Các chuyên gia phân tích chính trị Trung Đông đang có nhiều ý kiến trái chiều về lệnh cấm vận vũ khí mà Liên Hợp Quốc áp đặt đối với phiến quân Houthi ở Yemen và tác động của lệnh cấm này đối với việc giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.

cua_hang_sung_yemen_stjs.jpgMột cửa hàng súng ở thủ đô Sanaa của Yemen (ảnh: Tân Hoa xã)
Nghị quyết về lệnh cấm này được thông qua ngày 14/4 vừa qua, nhằm chấm dứt chiến dịch của phiến quân Houthi chống lại quân đội chính phủ trung thành với Tổng thống Abd Rabbuh Mansour Hadi.

Một số chuyên gia tin tưởng rằng, lệnh cấm sẽ chặn được đà tiến công của phiến quân Houthi và các đồng minh, để rồi các lực lượng này phải trở lại bàn đàm phán với chính phủ. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng lệnh cấm vận này không mấy tác động đến cuộc xung đột ở Yemen, một đất nước về cơ bản không có biện pháp nào để kiểm soát súng đạn.

Ông Abdel Bari Taher, nhà phân tích chính trị ở Sanaa nhận định: “Với những ai kích động bạo lực hay những kẻ buôn bán vũ khí, lệnh cấm này sẽ có tác động tích cực. Nhưng điều chúng ta đang phải đối mặt là một đất nước không kiểm soát vũ khí như Yemen với khoảng 60 triệu khẩu súng, nghĩa là trung bình một người có tới 3 khẩu súng.”

Trước đó, tại cuộc bỏ phiếu nghị quyết cấm vận vũ khí đối với phiến quân Houthi ở Yemen hôm 14/4, Nga, một trong 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an với quyền bỏ phiếu phủ quyết đã bỏ phiếu trắng để thể hiện quan điểm phản đối của mình. Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin cho rằng, lệnh cấm này cần phải áp đặt đối với tất cả các bên tham chiến ở Yemen mới có thể hối thúc họ trở lại bàn đàm phán hòa bình./.