Các nhà khoa học ở Philippines vừa phát hiện ra một loại gene có thể giúp thúc đẩy hàm lượng phốt-pho trong cây lúa giúp cây sinh trưởng tốt, cho năng suất cao. Đây được coi là một phát hiện mang tính đột phá, có thể tác động sâu sắc tới những quốc gia đang phát triển vốn chịu ảnh hưởng bởi tình trạng biến đổi khí hậu hay những nơi đất đai không được màu mỡ, thiếu chất dinh dưỡng.
Theo Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) tại Philippines, gien PSTOL-1 (Phosphorous Starvation Tolerance-1) giúp rễ cây mạ tăng trưởng mạnh mẽ ở thời kỳ đầu, khiến chúng sinh trưởng thuận lợi ở những vùng đất thiếu phốt pho dinh dưỡng, từ đó có thể giúp tăng sản lượng gạo tới 20%. Loại gien này hiện đã được cấy vào nhiều giống lúa khác nhau.
Các nhà khoa học lý giải, phốt pho là chất dinh dưỡng quan trọng đối với sự phát triển của cây trồng, tuy nhiên từ trước tới nay, người nông dân ở những vùng đất cằn cỗi phải mất nhiều chi phí cho việc mua các loại phân bón giúp tăng hàm lượng phốt pho. Nay bằng cách trồng các giống lúa có chứa gien thúc đẩy hàm lượng phốt pho, các nhà khoa học tin rằng, chi phí trong hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ được giảm đáng kể.
Bà Sigrid Heuer làm việc tại Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế cho biết: “Cây trồng hấp thu phốt pho từ phân bón không nhiều hiệu quả vì vậy chúng tôi rất kỳ vọng vào loại gien này. Bởi với hệ thống rễ lớn hơn, phân bón cũng sẽ được hấp thụ hiệu quả hơn. Về lâu về dài, người nông dân có thể giảm liều lượng phân bón mà cây trồng vẫn thu được lượng dinh dưỡng tương đương”.
Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế cũng vừa lên kế hoạch bắt đầu triển khai các chương trình nhân giống cây lúa có gien PSTOL-1 khắp châu Á, Nam Mỹ và châu Phi với hy vọng góp phần thúc đẩy các vụ thu hoạch lúa gạo và đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu./.