Bắt cóc công dân châu Âu đòi tiền chuộc đã trở thành ngành kinh doanh béo bở của các tổ chức khủng bố quốc tế, và đang trở thành một trong những nguồn cung cấp tài chính quan trọng cho lực lượng này.
Báo cáo của Thời báo New York, Mỹ công bố hôm qua (29/7) cho biết, mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và các chân rết đã kiếm khoảng 125 đến 165 triệu USD Mỹ từ hoạt động bắt cóc tống tiền kể từ năm 2008.
Chỉ tính riêng trong năm 2013 đã có khoảng 66 triệu USD tiền chuộc được chuyển cho các nhóm khủng bố trong mạng lưới này.
Trong khi các chính phủ châu Âu như Pháp, Thụy Sỹ, Áo hay Italy và Đức nhiều lần phủ nhận việc trả tiền chuộc nhưng điều tra của báo trên cho thấy tiền chuộc các công dân châu Âu thường được chuyển đi thông qua mạng lưới với nhiều tầng nấc trung gian, đôi lúc dưới danh nghĩa các khoản viện trợ phát triển.
Giới chức Mỹ cho biết, những kẻ bắt cóc đòi tiền chuộc thường phân biệt giữa các chính phủ có khả năng trả tiền chuộc hoặc không, để nhằm vào các con tin là công dân nước đó.
Xu hướng gần đây cho thấy những kẻ bắt cóc thường không nhằm vào công dân Mỹ hoặc Anh vì chúng hiểu rằng khó có thể nhận được tiền chuộc.
Trong những năm đầu, al-Qaeda thường nhận được những khoản tiền lớn từ các nhà tài trợ giàu có nhưng giới chức chống khủng bố hiện nay cho biết, phân nửa nguồn tài chính mạng lưới này dùng chi trả cho hoạt động tuyển mộ, huấn luyện, mua vũ khí là nhờ vào khoản tiền chuộc công dân châu Âu.
Trong khi năm 2003, mỗi con tin chỉ mang lại cho những kẻ bắt cóc khoảng 20.000 USD Mỹ thì hiện chúng có thể kiếm tới 10 triệu USD trên mỗi nạn nhân. Theo một thủ lĩnh khủng bố trên bán đảo Arab, bắt cóc con tin là công việc dễ dàng, là phi vụ thương mại đầy lợi nhuận hay giống như một mỏ vàng.
Tình hình hiện nay đang có xu hướng nguy hiểm hơn khi các thủ lĩnh điều hành hoạt động này tại Pakistan còn vươn ra quản lý các phi vụ bắt cóc tận châu Phi. Để giảm bớt nguy cơ bộc lộ, lực lượng khủng bố thường xuyên sử dụng các băng nhóm tội phạm đứng ra làm trung gian với thù lao khoảng 10% số tiền chuộc./.