Trên chiếc ô tô băng qua con đèo phủ tuyết trắng xóa, người mẹ trẻ quây quần cùng 6 đứa con nhỏ ở ghế sau, sau khi rời khỏi khu trại tạm ở Tây Bắc Afghanistan.
Chỉ mang theo một chiếc chăn để sưởi ấm, cô bé Parwana Malik 9 tuổi nép trong lòng mẹ bên cạnh các anh chị em của mình. Cả gia đình vừa được một nhóm cứu trợ trẻ em gái khỏi nạn tảo hôn giải cứu.
“Cháu thực sự rất vui mừng. Họ đã giúp cháu thoát khỏi chồng cháu. Ông ấy rất già”, Parwana chia sẻ trong hành trình cùng mẹ và các anh chị em.
Tháng trước, CNN đưa tin, Parwana và một số bé gái khác bị chính cha mình đem bán để lo cái ăn cho những thành viên khác trong gia đình.
Khi đó, cha của Parwana, ông Abdul Malik nói rằng cô bé đã khóc suốt cả ngày cả đêm, cầu xin ông đừng bán cô bé và nói rằng em muốn được tới trường đi học.
Câu chuyện của Parwana nhận được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, khiến những kẻ mua trẻ em gái về làm vợ bị chủ trích gay gắt. Sau đó Parwana được trả về với gia đình.
Tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ “Too Young to Wed” (TYTW, tạm dịch là “Quá trẻ để kết hôn”) đã hành động để đưa Parwana cùng các chị em và mẹ của chúng tới một ngôi nhà an toàn.
“Đây chỉ là giải pháp tạm thời nhưng là điều chúng tôi đã thực sự cố gắng để ngăn chặn tình trạng các bé gái bị bán làm cô dâu nhỏ tuổi”, Stephanie Sinclair, người sáng lập TYTW cho biết.
Khủng hoảng kinh tế, nghèo đói khiến các gia đình rơi vào cảnh túng bấn
Nền kinh tế kinh tế Afghanistan rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng từ giữa tháng 8, khi Taliban kiểm soát quyền lực. Hàng tỷ USD tài sản dự trữ của Ngân hàng trung ương Afghanistan bị đóng băng, các ngân hàng trong nước hết tiền mặt, nhiều người không được trả lương suốt nhiều tháng liền.
Các tổ chức hỗ trợ, các nhóm nhân quyền, trong đó có Human Rights Watch cảnh báo rằng những người nghèo nhất tại Afghanistan sẽ đối mặt với nạn đói trong mùa đông khắc nghiệt.
Tới tháng 3/2022, hơn một nửa dân số 39 triệu người của Afghanistan sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu đói cấp độ khẩn cấp, theo báo cáo mới đây của IPC, cơ quan đánh giá về mất an ninh lương thực. Báo cáo ước tính hơn 3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở Afghanistan bị suy dinh dưỡng.
“Cộng đồng quốc tế đang quay lưng khi Afghanistan ở bên bờ vực của một thảm họa”, Dominik Stillhart, Giám đốc phụ trách các chiến dịch của Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) cho biết.
Ông Stillhart vừa có chuyến công tác 6 ngày tới Afghanistan.
Từ trước khi Taliban tiếp quản quyền lực, nạn đói cũng đã tác động đến Afghanistan - quốc gia kém phát triển ở Nam Á, và giờ các bé gái đang phải trả giá bằng chính thể xác và mạng sống của mình.
“Các bé gái và phụ nữ trẻ Afghanistan đang trở thành cái giá của thực phẩm. Bởi nếu không làm vậy, gia đình của họ sẽ chết đói”, Mahbouba Seraj, nhà hoạt động bảo vệ quyền phụ nữ hàng đầu tại Afghanistan nói với CNN.
Dù kết hôn dưới 15 tuổi là bất hợp pháp tại Afghanistan, nhưng điều này xảy ra thường xuyên suốt nhiều năm qua, đặc biệt là ở các khu vực xa xôi. Tình hình đã xấu đi kể từ tháng 8 vừa qua, khi các gia đình ngày càng khó khăn, túng quẫn.
“Có rất nhiều đau khổ, có rất nhiều ngược đãi, có rất nhiều sự lạm dụng đã xảy ra khi các gia đình rơi vào cảnh túng bấn” bà Seraj nói, đồng thời cho biết thêm, một số trẻ em gái bị ép buộc phải kết hôn đã chết khi sinh con do cơ thể của họ quá nhỏ để có thể chịu đựng một cuộc “vượt cạn”.
Ở Afghanistan, phụ nữ lâu nay bị đối xử như những công dân hạng hai. Afghanistan cũng bị xếp hạng là quốc gia tồi tệ nhất thế giới đối với phụ nữ theo Chỉ số an ninh, hòa bình và phụ nữ 2021.
Kể từ khi Taliban tiếp quản đất nước, nhiều quyền cơ bản mà phụ nữ đã đấu tranh suốt 2 thập kỷ qua đã bị tước bỏ.
Trẻ em gái bị hạn chế học tập, phụ nữ bị cấm tới nơi làm việc và các nữ diễn viên không còn được xuất hiện trong các bộ phim, vở kịch trên truyền hình.
“Họ đã mang lại cho cháu một cuộc sống mới”
Sau hành trình dài 4 giờ qua các con đường núi, gia đình Parwana tới một khách sạn nhỏ ở Herat – thành phố lớn thứ 3 Afghanistan vào đêm muộn. Suốt chuyến đi, Parwana cùng các anh chị em và mẹ - Reza Gul, cùng người cậu Payinda, được một đại diện của TYTW hộ tống.
Reza Gul và Payinda nói với CNN rằng, khi cha của Parwana đã tính bán cô bé, mọi người trong gia đình phản đối.
“Tất nhiên, tôi rất tức giận, tôi đã đánh anh ấy và tôi gào khóc. Nhưng anh ấy nói rằng không có bất kỳ lựa chọn nào khác”, Reza Gul nói.
Theo CNN, hôm 24/10, Parwana bị bán cho một người đàn ông 55 tuổi để đổi lấy tiền mặt, cừu và đất trị giá khoảng 2.200 USD.
“Cha cháu đã bán cháu vì nhà cháu chẳng còn bánh mì, gạo hay bột mì. Cha bán cháu cho một người đàn ông già”, Parwana nói với CNN khi đó.
“Con bé nói rằng họ đã đánh đập nó và nó không muốn ở đó nữa”, bà Reza Gul, mẹ của Parwana nói.
“Họ đối xử với cháu rất tệ, họ chửi rủa cháu, họ bắt cháu dậy từ sáng sớm để làm việc”, Parwana kể thêm.
Sau khi câu chuyện của Parwana được CNN đăng tải, sự phẫn nộ mà Qorban - người mua “cô dâu 9 tuổi” nhận được đã khiến ông ta phải lẩn trốn.
Khoảng 2 tuần sau khi bị bán, Parwana được trả về cho gia đình nhưng cha cô bé vẫn nợ “người mua” khoảng 2.200 USD. Ông đã sử dụng số tiền bán con gái để trả các khoản nợ khác.
Parwana và 5 anh chị em lúc đầu khá mệt mỏi sau chuyến đi dài và cảm thấy choáng ngợp trước ánh đèn và giao thông ở thành phố. Nhưng khi mọi việc ổn định, chúng bắt đầu chạy nhảy, nô đùa với nhau và tận hưởng hành trình mới.
Sau 2 đêm ở khách sạn, gia đình được nhóm TYTW chuyển đến một ngôi nhà gần đó. Đây là lần đầu tiên Parwana được ở trong một ngôi nhà thực sự.
Suốt 4 năm qua, gia đình cô bé sống trong khu trại dành cho những người mất nhà ở tại Qala-e-Naw, tỉnh Badghis.
“Cháu cảm thấy rất thoải mái trong ngôi nhà này. Họ đã mang lại cho cháu một cuộc sống mới”, Parwana cho biết.
Gia đình Parwana sẽ ở lại ngôi nhà qua những tháng mùa đông, với sự hỗ trợ và bảo vệ của TYTW, tổ chức phi lợi nhuận thường thực hiện các cuộc giải cứu như vậy.
Stephanie Sinclair của TYTW cho biết, hiện vẫn chưa rõ kế hoạch lâu dài cho gia đình Parwana vì điều này còn tùy thuộc vào ngân sách giúp đỡ.
Câu chuyện của Parwana chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”
Nhiều gia đình trên khắp Afghanistan đang đối mặt với tình cảnh túng bấn tương tự như gia đình Parwana.
Ngoài Parwana, CNN cũng đã đăng tải câu chuyện về một gia đình ở tỉnh Ghor, Tây Bắc Afghanistan, những người đang chuẩn bị bán con gái.
Khi bài viết của CNN được đăng tải vào đầu tháng 11, chỉ còn vài ngày nữa cô bé Magul 10 tuổi sẽ bị bán cho một người đàn ông. Cô bé đã dọa sẽ tự sát nếu bị bán.
Theo CNN, hiện sự việc đã xảy ra và TYTW cũng đang nỗ lực để giải cứu cô bé cùng mẹ và các anh chị em, sau đó đưa họ tới cùng nơi gia đình Parwana đang sống.
Các nhà hoạt động bảo vệ quyền phụ nữ như Mahbouba Seraj, người điều hành một khu tiếp nhận phụ nữ và trẻ em gái ở Kabul, nói rằng tình huống tồi tệ nhất vẫn có thể xảy ra với phụ nữ Afghanistan.
“Đây chỉ là sự bắt đầu và chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Điều này sẽ vẫn xảy ra khi cái đói, cái nghèo còn chưa được giải quyết”, Seraj nói.
Một lãnh đạo Taliban tại địa phương nói với CNN rằng họ đang cố gắng chấm dứt nạn kết hôn trẻ em. Mawlawi Baz Mohammad Sarwary, người đứng đầu cơ quan văn hóa và thông tin tỉnh Badghis, nói rằng, điều này là “phổ biến” tại đây do tình trạng nghèo cùng cực.
“Chúng tôi chỉ trích nạn kết hôn trẻ em. Một số người buộc phải làm vậy vì quá nghèo”, ông Sarwary nói.
Ông cũng kêu gọi các nước, các nhóm quốc tế gửi viện trợ để cứu các gia đình khỏi nạn đói.
“Chúng tôi cần sự giúp đỡ của họ cho người dân Badghis. Chúng tôi sẽ đảm bảo an ninh, hợp tác và tạo mọi điều kiện để họ thực hiện công việc”, ông Sarwary nói.
Trở lại Herat, tại một khu chợ địa phương, TYTW đã giúp gia đình Parwana thu thập đồ dùng nhà bếp và thực phẩm.
“Chúng tôi thức giấc hàng đêm vì đói. Giờ thì chúng tôi cảm thấy may mắn vì đã được giúp đỡ và đưa tới đây”, Reza Gul, mẹ của Parwana nói.
Parwana, vừa được giải thoát khỏi người chồng nhiều gấp 6 lần tuổi cô bé, đang rất mong mỏi được đi học.
“Cháu muốn học để trở thành bác sỹ”, Parwana chia sẻ.
Với những người đấu tranh vì quyền phụ nữ ở Afghanistan, quyết tâm của Parwana vì một tương lai tốt đẹp hơn cho chính bản thân mình cũng như đất nước đã đem lại hy vọng, dù mong manh, rằng thế hệ trẻ em gái tiếp theo sẽ vượt qua được sự coi thường áp đặt lên cuộc sống của họ./.