Truyền thông Cuba hôm 21/6 cho biết, chính phủ Cuba sẽ cho phép một khu chợ bán buôn hàng nông phẩm tại nước này hoạt động theo quy tắc thị trường từ ngày 1/7 tới.

Theo nguồn tin, việc mở khu chợ bán buôn này là một phần trong hệ thống thương mại nông nghiệp mới sẽ được áp dụng tại Havana, Artemisa và Mayabeque.

Tại khu chợ này, do một hợp tác xã tư nhân điều hành, giá cả sẽ được áp dụng theo luật cung cầu thay vì theo yêu cầu chính phủ. Đây là mô hình chợ đầu tiên tại Cuba hoạt động theo hình thức này kể từ năm 1960 khi Chính phủ thực hiện quy định kiểm soát quốc gia đối với mọi hoạt động kinh tế.

Quyết định cũng là một phần trong cải cách thị trường tự do mà Chủ tịch Raul Castro đang từng bước thực hiện từ năm 2008. Chính phủ Cuba hi vọng, việc thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp trong nước sẽ góp phần giảm sự phục thuộc vào việc nhập khẩu lương thực vốn khá tốn kém. Mỗi năm, quốc gia vùng Caribbean này phải nhập khẩu tới 80% nhu cầu lương thực, với chi phí lên tới 1,5 tỷ USD.

Sau khi kế nhiệm người anh trai Fidel Castro năm 2008, ông Raul Castro đã dỡ bỏ một loạt rào cản trong các lĩnh vực như du lịch, bán hàng, hoạt động mua tài sản tư nhân, cũng như cơ cấu lại nền kinh tế, để biến Cuba trở thành một thị trường thân thiện và mở cửa hơn./.