Ngày 29/9, khoảng 6,4 triệu cử tri Áo dự kiến sẽ đi bỏ phiếu để bầu 183 nghị sĩ Hội đồng dân tộc hay còn gọi là Hạ viện nước này. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Đảng Nhân dân Áo (OVP) của cựu Thủ tướng Sebastian Kurz đang trên đường quay trở lại nắm quyền sau vụ bê bối tham nhũng Ibiza làm chao đảo chính trường Áo hồi tháng 5/2019, dẫn tới sự sụp đổ của liên minh cầm quyền và chính phủ của ông Kurz lúc đó.
Cựu Thủ tướng Sebastian Kurz (giữa) đang có nhiều cơ hội quay trở lại nắm quyền 4 tháng sau vụ bê bối Ibiza làm chính phủ của ông sụp đổ. Ảnh: Reuters |
Đây là cuộc bầu cử sớm lần thứ hai diễn ra trong vòng chưa đầy hai năm qua tại Áo. Cuộc bầu cử sớm tháng 12/2017 đưa liên minh Đảng Nhân dân Áo của ông Sebastian Kurz và đối tác thiểu số Đảng tự do có tư tưởng cực hữu (FPO) lên nắm quyền. Chưa đầy một năm rưỡi sau, sự phát tán một đoạn video đăng tải Phó Thủ tướng đồng thời là Chủ tịch Đảng Tự do lúc đó, ông Heinz-Christian Strache, cùng một thành viên khác của đảng này, họp kín với một đối tác được cho là người thân của một nhà đầu tư nổi tiếng người Nga tại đảo Ibiza của Tây Ban Nha để trao đổi hợp đồng lấy sự ủng hộ bầu cử, đã gây rúng động chính trường Áo, dẫn tới sự ra đi của ông Strache cũng như một loạt bộ trưởng khác của đảng này trong chính phủ.
Dù không dính líu tới vụ bê bối, nhưng chính phủ thiểu số của Thủ tướng S. Kurz lúc đó cũng không thể vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện, và ông Kurz cũng bị đổ lỗi khi bắt tay liên minh với một đảng có tư tưởng cực hữu có nhiều ồn ào trên chính trường.
Tuy nhiên, dường như vụ bê bối và sự sụp đổ của chính phủ không làm suy giảm uy tín của ông Kurz. Trái lại Đảng Nhân dân Áo của ông thậm chí còn nhận được sự ủng hộ của 34% người dân trong cuộc thăm dò dư luận mới nhất so với 31,5% trong cuộc bầu cử sớm 2 năm trước đây, và dự đoán sẽ dành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày Chủ Nhật này.
Thêm vào đó, ông Kurz hiện được đánh giá là nhà chính trị có uy tín nhất trong số các ứng cử viên tranh chức Thủ tướng lần này. Trong khi đó, vụ bê bối Ibiza làm đảng Đảng Tự do Áo mất điểm, chỉ nhận được sự ủng hộ của 20% người dân theo thăm dò dư luận, so với 26% họ có được sau bầu cử năm 2017.
Đáng chú ý hơn cả là sự gia tăng uy tín của Đảng Xanh (Grune) theo đường lối trung tả ủng hộ châu Âu. Sau thất bại vào Hạ viện trong cuộc bầu cử 2 năm trước do không vượt qua ngưỡng 4% theo luật định, Đảng Xanh dự kiến sẽ có ghế tại Hạ viện lần này nếu như tỉ lệ ủng hộ 12% dành cho họ theo thăm dò dư luận trước bầu cử được chứng minh là đúng.
Xét về các phương diện, khó có thể ngăn cản cựu Thủ tướng S. Kurz, năm nay 33 tuổi, sẽ trở lại nắm quyền sau cuộc bầu cử ngày 29/9, nhưng điều quan tâm hiện nay là chính phủ sẽ được hình thành như thế nào. Trước thềm bầu cử diễn ra, ông Kurz lên tiếng không loại trừ khả năng Đảng Nhân dân của ông sẽ bắt tay lại với Đảng Tự do nếu ông dành chiến thắng.
Thế nhưng sức ép đối với ông khi liên minh trở lại với chính đảng đã làm sụp đổ chính phủ vài tháng trước đây đã lớn hơn rất nhiều so với hai năm trước. Trong trường hợp này, ông yêu cầu đảng của ông sẽ kiểm soát nhiều ghế hơn trong chính phủ, đặc biệt là ghế Bộ trưởng Nội vụ quan trọng mà trước do đối tác Đảng Tư do nắm giữ.
Ngoài ra ông còn có sự lựa chọn khác như hợp tác với Đảng Dân chủ xã hội (SPO) để trở thành một siêu liên minh như trước đây, hay với Đảng Xanh đang lên nhờ chính sách chống biến đổi khí hậu trong chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, việc liên minh với Đảng Dân chủ xã hội hiện đang đứng vị trí thứ hai trong các cuộc thăm dò dư luận khó có thể xảy ra do cả hai không có chung tiếng nói trong điều hành chính phủ. Đảng Nước Áo Mới (Neos) cũng có thể là một sự lựa chọn, nhưng lúc đó sẽ là liên minh ba đảng cầm quyền do họ dự đoán không thể cùng đảng của ông Kurz chiếm đa số tại Hạ viện. Ngược lại, Đảng Dân chủ xã hội cũng có cơ hội thành lập chính phủ và loại bỏ được ông Kurz trong cuộc đua, nhưng điều này hoàn toàn không dễ, bởi họ lên tiếng trước đó không hợp tác với Đảng tự do Áo.
Dù cuộc khủng hoảng người di cư vào châu Âu vốn đưa ông Kurz lên nắm chính quyền 2 năm trước đây không còn sức nóng của nó, nhưng vẫn là một vấn đề quan trọng đối với cử tri Áo.
Theo khảo sát mới nhất của Cơ quan nghiên cứu Eurobarometer của Nghị viện châu Âu, người Áo vẫn cho rằng nhập cư vẫn là vấn đề quan trọng nhất mà EU đang phải đối mặt hiện nay, bên cạnh các vấn đề như chống biến đổi khí hậu, cải cách thuế và hệ thống y tế nước Áo. Nếu ông Kurz quay trở lại nắm chính quyền, dự đoán ông sẽ khó từ bỏ chính sách cứng rắn của mình đối với vấn đề nhập cư, nợ công hay đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ như nhiệm kỳ trước.
Bên cạnh đó, ông Kurz cũng sẽ đối mặt với thách thức trong việc duy trì sự ổn định của nền kinh tế đang phát triển khá tốt so với các nền kinh tế chủ chốt trong khu vực đồng tiền chung euro trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chững lại, đặc biệt là nền kinh tế Đức./.