Tại Thủ đô Kiev, phe đối lập ngày 26/2 đã nhất trí đề cử lãnh đạo Đảng Tổ Quốc, cựu Bộ trưởng Kinh tế, ông Arseniy Yatsenyuk trở thành người lãnh đạo Chính phủ lâm thời trong bối cảnh những diễn biến căng thẳng trong nước chưa có dấu hiệu lắng dịu.

Chính phủ mới, dự kiến được Quốc hội chính thức phê chuẩn vào ngày 27/2, sẽ phải gánh trên vai nhiệm vụ nặng nề nhằm khôi phục sự ổn định của một đất nước vốn đang phải đối mặt không chỉ với tình trạng chia rẽ chính trị sâu sắc mà còn đang đứng bên bờ vực phá sản. 

Ngày 26/2, tại Quảng trường độc lập ở Thủ đô Kiev, nơi đã xảy ra các cuộc biểu tình đẫm máu nhằm lật đổ Tổng thống Yanukovych, các nhà lãnh đạo lâm thời nắm quyền kiểm soát đất nước sau khi ông Yanukovych bị lật đổ, đã đề xuất ông Arseniy Yatsenyuk làm Thủ tướng tạm quyền của đất nước. Ông Yatsenyuk,39 tuổi, từng giữ chức Bộ trưởng Kinh tế, Bộ trưởng Ngoại giao và Chủ tịch Quốc hội Ukraine trước khi ông Yanukovych lên làm Tổng thống vào năm 2010 và được xem là một nhà cải cách kỹ trị, người ủng hộ quan hệ gần gũi hơn với Mỹ. 

1-kiev-bao-dong.jpg
Chính phủ mới sẽ đối mặt với trọng trách khôi phục sự ổn định Ukraine (Ảnh: Getty)

Phe đối lập cũng bổ nhiệm nhà ngoại giao kỳ cựu Andriy Deshchytsya làm Bộ trưởng Ngoại giao, ông Oleksander Shlapak, cựu Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương, giữ chức Bộ trưởng Tài chính. Tổng thống tạm quyền Oleksander Turchinov cho biết, Chính phủ tạm quyền sẽ chỉ hoạt động trong khoảng thời gian từ 3-4 tháng. Tìm kiếm sự giúp đỡ tài chính từ bên ngoài sẽ là một trong những nhiệm vụ đầu tiên mà ông Yatsenyuk phải thực hiện, nếu chính thức trở thành Thủ tướng của Ukraine.

Nếu nội các mới được Quốc hội phê chuẩn vào ngày 27/2, sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Qũy tiền tệ quốc tế nhằm tránh cho nước này một cuộc khủng hoảng tài chính khi mà Nga có thể sẽ cắt khoản viện trợ trị giá 15 tỷ USD đã cam kết trước đó. Tổng thống tạm quyền Turchinov tuyên bố: “Tôi muốn nói rằng Chính phủ mới sẽ phải thực hiện các quyết định không được lòng dân, sẽ không phải là những quyết định được người dân tán dương”.

Ông Turchinov nói thêm: “Tuy nhiên đây sẽ là những quyết định giúp Ukraine tránh khỏi tình trạng vỡ nợ, những quyết định giúp Ukraine lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư và các nhà cho vay, những quyết định này sẽ mang lại cho người dân Ukraine một cuộc sống bình thường. Chính phủ sẽ bị chỉ trích, nhưng họ cần phải hoàn thành nghĩa vụ của mình và làm việc vì lợi ích của Ukraine”.

Trong một tuyên bố nhằm tái khẳng định sự hỗ trợ đối với Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, Mỹ đang có kế hoạch bảo lãnh khoản vay trị giá 1 tỉ USD cho Ukraine và sẽ xem xét các biện pháp hỗ trợ bổ sung. Tuy nhiên, ông Kerry khẳng định, các chính sách của Mỹ về Ukraine không phải nhằm làm giảm tầm ảnh hưởng của Nga đối với Ukraine mà chủ yếu là để xem xét những nguyện vọng của người dân về một nền kinh tế vững mạnh.

Ukraine hiện phải đối mặt với khoản thanh toán nợ nước ngoài 17,4 tỉ USD trong năm nay và đang kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế. Mặc dù Liên minh châu Âu và Mỹ đã bày tỏ thiện chí sẵn sàng viện trợ tài chính cho Kiev và Nga cũng đã nhất trí cho nước này vay tiền, song sẽ là rất khó khăn để quốc gia thuộc Liên xô trước đây thực hiện cải cách kinh tế trong một thời gian ngắn, nhất là khi đất nước đang trải qua giai đoạn chuyển giao quyền lực.

Chuyên gia kinh tế Ukraine Andriy Novak cho biết: Vấn đề không phải là Ukraine sẽ nhận được bao nhiêu tiền từ hỗ trợ tài chính và khoản tiền này sẽ đến từ đâu, phương Tây hay Nga. Mà vấn đề quan trọng là số tiền này sẽ được sử dụng như thế nào. Nếu sử dụng sự viện trợ tài chính một cách không hiệu quả thì sẽ chỉ gây thêm gánh nặng cho nền tài chính của đất nước và cả cho những người nộp thuế. Chính phủ mới cần phải phản ứng nhanh chóng và chính xác với thị trường tiền tệ. Cần nghiên cứu lại và đề ra một ngân sách tài chính cho năm 2014”.

Không chỉ phải gánh vác những trọng trách nặng nề về kinh tế, Chính phủ mới của Ukraine sẽ còn phải giải quyết vấn đề chủ nghĩa ly khai tại miền Đông và miền Nam. Ngày 26/2, tại bán đảo Crưm, đã xảy ra các cuộc đụng độ giữa những người ủng hộ quan hệ gần gũi hơn với Nga và những người ủng hộ chính quyền tạm thời tại Thủ đô Kiev, khiến nhiều người bị thương.

Chính phủ nhiều nước đã bày tỏ quan ngại về sự chia rẽ chính trị ngày một sâu sắc tại Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, theo lệnh của Tổng thống Nga Putin, các lực lượng quân khu miền Tây, giáp biên giới Ukraine, đã được đặt trong tình trạng báo động. Ông Shoigu cũng cho biết, Nga đang thận trọng xem xét những diễn biến tình hình tại bán đảo Crưm và thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo sự an toàn của các phương tiện, cơ sở hạ tầng và kho vũ khí của Hạm đội Biển Đen.

Mặc dù Nga tuyên bố động thái này không liên quan gì đến tình hình Ukraine, cũng như cam kết sẽ không can thiệp vào vấn đề nội bộ của Kiev, song Nga cũng đã ra tuyên bố bày tỏ mối lo ngại cho cộng đồng nói tiếng Nga ở Ukraine./.