Mỹ và Nga đều khẳng định "những lợi ích chung" ở Syria sẽ là nền tảng cho sự hợp tác giữa 2 quốc gia, ông Pompeo ngày 14/5 cho biết sau cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Syria hoang tàn sau nội chiến. Ảnh: Reuters. |
"Chúng tôi đã có một cuộc đối thoại rất hiệu quả về con đường tương lai cho Syria, những vấn đề chúng tôi có thể hợp tác với nhau dựa trên những lợi ích chung, cũng như việc làm thế nào để thúc đẩy tiến trình chính trị ở quốc gia Trung Đông này". Ngoại trưởng Pompeo khẳng định với báo giới, đồng thời cho biết ông "rất hứng thú" với phần thảo luận này.
Tuy nhiên, ông Pompeo vẫn trả lời thận trọng về kết quả của cuộc thảo luận khi được hỏi liệu khi nào Nga và Mỹ sẽ có thể hoạch tiến hành "các biện pháp cụ thể" trong cuộc nội chiến Syria. Ngoại trưởng Mỹ cũng đề xuất rằng hai bên sẽ khởi động kế hoạch về một tiến trình hòa bình ở Syria với Liên Hợp Quốc làm trung gian.
"Tôi cho rằng hiện chúng tôi có thể bắt đầu hợp tác với nhau để tháo gỡ vấn đề này", ông Pompeo khẳng định.
Tiến trình hòa bình do Liên Hợp Quốc chủ trì bao gồm việc soạn thảo hiến pháp mới cho Syria với một ủy ban soạn thảo gồm các đại biểu của chính quyền Tổng thống Assad, phe đối lập do Mỹ ủng hộ và một nhóm thứ 3 được Liên Hợp Quốc đề xuất. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận về việc ai sẽ ở trong ủy ban hiến pháp trở nên phức tạp và khó khăn khi các bên tham chiến lo ngại nếu đối phương tham gia soạn thảo thì họ sẽ bị đe dọa lợi ích.
"Thành lập ủy ban hiến pháp Syria là một việc vô cùng quan trọng", Yuri Ushakov - một trong những cố vấn của Tổng thống Nga Putin phát biểu sau cuộc gặp.
"Những người đồng cấp Mỹ chỉ thể hiện sự quan tâm bằng lời nói trong việc tăng cường hợp tác và các lợi ích chung ở Syria. Các cách tiếp cận của chúng tôi về cơ bản vẫn có nhiều khác biệt với họ", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkoz cho biết.
Nga ủng hộ Tổng thống Assad tiến hành các cuộc không kích Idlib - khu vực vừa là nơi trú ẩn của nhóm phiến quân có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda, vừa là nơi sinh sống của dân thường. Nếu giành chiến thắng tại đây, vị thế của Tổng thống Assad trên bàn đàm phán sẽ được nâng cao nhưng các nhóm hoạt động lo ngại một cuộc tấn công vào Idlib sẽ gây ra một thảm họa nhân đạo.
"Chúng tôi đã nêu vấn đề này với Nga. Bất kỳ cuộc tấn công nào vào Idlib đều sẽ khiến căng thẳng leo thang ở quốc gia này", Đặc phái viên Mỹ về Syria James Jeffrey khẳng định hồi tuần trước./.
Khủng hoảng dầu mỏ Syria: Tổng thống Assad chọn Nga hay Iran?