Liên minh châu Âu (EU) sẽ thành lập một cơ quan, có chức năng hoạt động như một sàn giao dịch để tiếp tục trao đổi thương mại với Iran, đặc biệt trong việc mua dầu, cũng như đơn giản hoá các giao dịch tài chính giữa hai bên.  

5ba9a04efc7e93807a8b45a2_vreo.jpg
Cao ủy EU Federica Mogherini và Ngoại trưởng Iran Javad Zarif. Ảnh: Reuters

Tuyên bố trên được đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu Federica Mogherini đưa ra trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Iran, Javad Zarif tại Brussels vào chiều tối 24/9.

“Các thành viên của Liên minh châu Âu sẽ thành  lập một cơ quan hợp pháp để đơn giản hoá các giao dịch tài chính hợp pháp với Iran. Điều này sẽ giúp các công ty châu Âu tiếp tục buôn bán với Iran trong khuôn khổ phù hợp với luật pháp của Liên minh châu Âu. Và về lâu dài, cơ chế này có thể mở rộng ra cho các đối tác khác trên thế giới”, bà Mogherini nhấn mạnh.

Theo giới phân tích tại châu Âu, cơ quan mới này, hay còn gọi là Cơ chế đặc thù (SPV) sẽ hoạt động với tính chất như một sàn trao đổi hàng hoá với các quy định tinh vi nhằm vòng tránh các lệnh trừng phạt kinh tế mà Mỹ nhằm vào Iran cũng như các công ty châu Âu có quan hệ kinh tế với Iran.

Đây được xem là động thái cụ thể đáng chú ý đầu tiên mà Liên minh châu Âu đưa ra trong nỗ lực bảo vệ lợi ích của các công ty châu Âu làm ăn tại Iran, cũng như trong cam kết bảo vệ thoả thuận hạt nhân P5+1 ký với Iran năm 2015, trong đó có sự tham gia của 3 cường quốc châu Âu là Pháp, Đức và Anh.

Hiện tại, sau khi tuyên bố rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5/2018, chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump vẫn đang duy trì các lời đe doạ và sức ép trừng phạt rất lớn lên Iran và các đối tác của nước này.

Theo dự kiến, ngày 4/11 tới, Mỹ sẽ lại đưa ra một loạt đòn trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Iran, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu dầu lửa cũng như thanh toán ngân hàng. Các đòn trừng phạt này có nguy cơ cô lập hoàn toàn Iran với hệ thống tài chính quốc tế.

Trước đe doạ từ Mỹ, từ nhiều tháng qua, hàng loạt tập đoàn lớn của châu Âu, như Total, Daimler… đã phải huỷ bỏ các hợp đồng giá trị hàng tỷ euro tại Iran./.