Với kết quả sơ bộ, ứng cử viên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và ứng cử viên cực hữu  Marine Le Pen đã chính thức lọt vào vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 7/5. Nhiều quan chức châu Âu đã chúc mừng ứng cử viên Macron sau khi ông giành quyền bước vào vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp.

macron_fmpv.jpg
Ứng cử viên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: AFP/Getty)

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker chúc ông Macron gặp nhiều thuận lợi trong cuộc bầu cử vòng hai sắp tới. Còn Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Federica Mogherini nhấn mạnh sự ủng hộ rộng rãi của châu Âu đối với ông Macron. Theo bà Mogherini “châu Âu và Pháp chào mừng kết quả của ông Macron. Điều này cho thấy hy vọng vào tương lai”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel tin tưởng rằng ông Macron sẽ trở thành tổng thống tiếp theo của nước Pháp. Người phát ngôn của Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông Steffen Seibert cũng đã chúc ông Macron gặp nhiều thuận lợi trong hai tuần tới. Còn ông Martin Schulz - Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Đức và cũng là cựu Chủ tịch Nghị viện châu Âu đã hoan nghênh thành công của  Macron.

“Thông tin ông Macron lọt vào vòng 2 cuộc bầu cử Pháp là tin tốt lành cho Pháp và cũng là tin tốt lành cho Đức và chắc chắn đó là một cuộc bầu cử thành công cho châu Âu. Chúng ta cần huy động (cử tri) để ủng hộ ông Macron giành chiến thắng trong vòng hai. Đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng tất cả những người ủng hộ châu Âu, những người có lòng khoan dung và mở rộng châu Âu và những người cởi mở đối với cải cách, nên đoàn kết và ủng hộ  ứng cử viên Macron", ông Martin Schulz nói.

Cựu Bộ trưởng Kinh tế, ứng cử viên Macron được nhìn nhận là trẻ trung, năng động và được kỳ vọng là nhân vật có khả năng vực dậy nền kinh tế Pháp. Việc ông thành lập phong trào “Tiến bước” - một cánh trung dung mới, vượt qua ranh giới tả-hữu được cho là góp phần đổi mới nền chính trị nước Pháp. Ông Macron có quan điểm mở cửa với người tị nạn, chủ trương tăng ngân sách quốc phòng và vẫn duy trì mối quan hệ giữa Pháp với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong khi đó, bà Le Pen, 48 tuổi, là chủ tịch đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia. Bà từng làm luật sư từ năm 1992 đến 1998, trở thành nghị sĩ Nghị viện châu Âu vào năm 2004. Bà Le Pen không ủng hộ nhập cư, đặt mục tiêu tăng ngân sách quốc phòng. Trái với đối thủ Macron, bà muốn Pháp rời khỏi NATO và đàm phán lại các hiệp định EU.

Thắng lợi bước đầu của bà Le Pen, người xây dựng chiến dịch tranh cử mang tinh thần dân túy, là bằng chứng cho thấy chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy mạnh mẽ trên thế giới. Chủ nghĩa dân túy được cho là nguyên nhân dẫn đến việc Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit và chiến thắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Pháp là nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực đồng tiền chung châu Âu và lớn thứ bảy thế giới. Pháp cũng là một thành viên sáng lập Liên minh châu Âu  (EU) và cùng với Đức, là một đầu tàu kinh tế của khối. Nếu Pháp rời khỏi châu Âu (Frexit) thì sẽ được coi là một đòn chí mạng với EU.

Cuộc bầu cử Pháp diễn ra trong bối cảnh an ninh được siết chặt sau vụ nổ súng trên đại lộ Champs-Elysées ở Paris hôm 20/4 làm một cảnh sát thiệt mạng. Pháp đã huy động toàn bộ lực lượng an ninh, bao gồm cả các đơn vị tinh nhuệ đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử. Bộ Nội Vụ Pháp cũng đã thông báo ngoài lực lượng chống khủng bốSentinelle lên đến 10.000 người, hơn 50.000 cảnh sát và hiến binh đã được huy động để bảo đảm an ninh tại 67.000 điểm bỏ phiếu trên toàn nước Pháp./.