Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên Đài phát thanh France Inter, Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 5/1 cho rằng, cần phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga nếu có tiến triển trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Hollande thể hiện lập trường khác biệt so với Mỹ liên quan tới vấn đề này. Trước đó, hồi cuối tháng 12, ông Hollande cũng cho rằng, không nên nâng mức độ trừng phạt nhằm vào Nga khi mà lệnh ngừng bắn tại Ukraine vẫn đang được tôn trọng.
“Việc gia tăng hay nâng cấp độ các lệnh trừng phạt với Nga là không cần thiết bởi đã có những bước tiến trong giải quyết khủng hoảng tại Ukraine. Lệnh ngừng bắn được tôn trọng hay cụ thể hơn là không có thêm báo cáo nào về các trường hợp thiệt mạng do xung đột. Tuy nhiên vẫn còn một chặng đường dài phía trước và chúng ta cần nhiều bước tiến hơn nữa”, ông Hollande nói.
Mới đây nhất, Đức, một “ông lớn” khác tại châu Âu cũng đã bắt đầu tỏ ra lo ngại về những tác động xấu của các lệnh trừng phạt này đối với nền kinh tế châu Âu. Bởi kinh tế Nga lao đao, thì Liên minh châu Âu cũng không thể ngồi yên.
Theo Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel, trừng phạt kinh tế Nga không phải với mục đích làm Nga suy yếu, sụp đổ mà để góp phần giải quyết các vấn đề của Ukraine. Vì thế, nếu bất kỳ bên nào coi các biện pháp trừng phạt này là nhằm vào việc hạ bệ Nga, thì đã đến lúc không cần phải duy trì trừng phạt vì nó đã đi sai mục đích.
Dường như người châu Âu đã bắt đầu mệt mỏi và họ không thể tiếp tục chấp nhận việc mình phải chịu thiệt do các lệnh trừng phạt với Nga, trong khi Mỹ thì lại ung dung.
Thực tế là trong khi kinh tế Mỹ tăng trưởng khả quan, thì kinh tế Liên minh châu Âu lại đối mặt nhiều nguy cơ.
Theo Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế thuộc Hạ viện Nga Alexei Pouchkov, các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga là một yếu tố nguy cơ đối với Liên minh châu Âu và khối này dường như đang bị mất phương hướng.
Thậm chí tại Pháp, cả hai lực lượng chính trị cánh tả và cánh hữu đều ủng hộ việc nước này tiếp tục các hợp đồng chuyển giao tàu Mistral cho Nga theo hợp đồng đã ký kết.
Những người cánh tả còn kêu gọi không nên hùa theo Mỹ, nói rằng việc phá vỡ cam kết sẽ làm hủy hoại thanh danh quốc gia. Và rất nhiều nông dân của các nước thành viên châu Âu đã mang trái cây, nông sản thừa thãi đến trước các cơ quan công quyền của nhà nước để biểu tình phản đối chính sách trừng phạt Nga.
Rõ ràng, châu Âu không thể tiếp tục vì những khác biệt về lập trường mà phớt lờ các hậu quả về kinh tế. Nếu vẫn duy trì các lệnh trừng phạt như hiện nay, thiệt hại kinh tế với châu Âu có thể lên tới hàng chục tỷ Euro, trong khi Nga hoàn toàn có thể tìm đến những thị trường khác, hoặc đơn giản hơn là tự sản xuất.
Vì thế theo các nhà phân tích, tình hình hiện nay đã vượt ngoài tầm kiểm soát của Mỹ và đã đến lúc nước này phải toan tính lại về cuộc chiến kinh tế với Nga khi mà những đồng minh đã không còn đồng lòng./.