Dịch Ebola vẫn đang hoành hành và dự báo phải mất từ 6-9 tháng nữa mới có thể kiểm soát được dịch Ebola tại các nước Tây Phi. Trong lúc này, cộng đồng quốc tế tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực trong cuộc chiến cam go này.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số người tử vong do nhiễm chủng virus nguy hiểm này đã vượt quá con số 3.300 người trên tổng số hơn 7.000 người nhiễm bệnh, tăng hơn 300 người tử vong chỉ trong vòng 4 ngày.
Riêng Liberia, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, số người tử vong lên tới gần 2.000 người trong tổng 3.696 người nhiễm bệnh.
Còn Guinea, quốc gia phát hiện dịch đầu tiên từ cuối năm 2013, đến nay đã có 710 người chết trong tổng số 1.157 người nhiễm bệnh. Tiếp sau là Sierra Leone, với 622 người tử vong.
Trước diễn biến ngày càng nghiêm trọng của dịch Ebola, ngày 1/10, Liên Hợp Quốc cho biết, cuộc chiến chống lại dịch bệnh chết người này cần phải đạt được những tiến bộ đáng kể trong vòng 2 tháng tới, trong đó bao gồm việc đảm bảo cho khoảng 70% số ca nhiễm bệnh được điều trị.
Đại diện của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Anthony Banbury cho biết: “70% số ca nhiễm bệnh cần phải được điều trị và 70% số trường hợp tử vong cần phải được xử lý một cách an toàn nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan. Chúng ta cần làm việc này trong vòng 60 ngày.
Nếu không được kiểm soát, số người nhiễm căn bệnh này có thể sẽ là 1,4 triệu người vào tháng 1 tới. Và mỗi quốc gia trên thế giới đều sẽ có nguy cơ gặp phải các vấn đề không chỉ là về mặt y tế, mà còn là ảnh hưởng tới nền kinh tế, cấu trúc xã hội, chính trị. Thế giới cần phải hành động ngay bây giờ”.
Trong lúc này, cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục gia tăng các nỗ lực hỗ trợ kiểm soát dịch Ebola tại các nước Tây Phi. Ngày 1/10, Chính phủ Séc đã quyết định gửi số hàng viện trợ nhân đạo trị giá 180.000 USD tới các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Ebola. Ngoài số hàng viện trợ trên, Séc cũng đã gửi số hàng hóa trị giá 140.000 USD tới vùng dịch thông qua tổ chức Bác sĩ không biên giới.
Trong khi đó, Mỹ cũng đang có kế hoạch tăng cường triển khai binh sĩ tới vùng dịch. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết các binh sĩ này sẽ được kiểm tra và theo dõi chặt chẽ về y tế nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm Ebola, nhất là sau khi Mỹ vừa phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm Ebola sau khi người này trở về từ Liberia.
Bà Laura Junor, trợ lý tại Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: “Không có gì quan trọng hơn là cần phải chăm sóc sức khỏe cho lực lượng quân đội của Mỹ trước, trong và sau bất kỳ sự tham gia nào trong cuộc chiến chống Ebola. Đây là công việc ưu tiên và quan trọng. Chúng tôi đang làm việc với các chuyên gia về vấn đề này.”
Cho đến nay, thế giới đã xác định có 5 chủng Ebola khác nhau và chủng phát hiện lần đầu tiên năm 1976 tại Cộng hòa Dân chủ Congo, là chủng nguy hiểm nhất. Dịch Ebola bùng phát dịch tại Conggo được xem là đợt dịch có nhiều người tử vong nhất trong suốt gần 40 năm lịch sử căn bệnh này với tỉ lệ tử vong lên đến 90% và hiện giao động ở mức 50-60%./.