Cơ phó trong chuyến bay định mệnh của hãng Germanwings có dấu hiệu đã cố tình lao chiếc máy bay đâm xuống núi sau khi anh ta khóa cơ trưởng bên ngoài buồng lái.
Công tố viên Brice Robin cho biết viên cơ phó 28 tuổi Andreas Lubitz đã chủ động đâm chiếc máy bay 4U 9525 xuống dãy núi Alps của Pháp vào ngày 24/3 khi anh ta ngồi một mình bên bàn điều khiển.
Sau khi đội điều tra phân tích hộp đen trong buồng lái chiếc Airbus A320, ông Robin nói với phóng viên rằng Lubitz biểu lộ dấu hiệu mong muốn phá hủy máy bay.
Trong phản ứng đầu tiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng các phát hiện mới đã cung cấp thêm một cái nhìn không thể tượng tưởng được về tấn bi kịch trong đó 150 người, đa phần mang quốc tịch Đức và Tây Ban Nha, đã thiệt mạng.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cho biết ông bị sốc mạnh về tin tức vụ máy bay rơi.
Công tố viên người Pháp nói rằng các hành khách đã chết tức thì sau khi máy bay tiếp đất và có thể họ mãi đến phút cuối mới biết về thảm họa đang chờ mình.
“Chúng tôi chỉ nghe thấy các tiếng thét hoảng loạn trong các khoảnh khắc cuối cùng trước khi va chạm,” công tố viên Robin nói.
Trong khi viên phi công thực hiện hành vi tự sát, thì viên cơ trưởng (được cho là đi toilet trước đó) cố gắng hết mình để xông vào buồng lái, tay đập liên hồi lên cửa.
Bàn điều khiển đã chuyển sang chế độ tăng tốc lao xuống
Công tố viên Pháp hạ thấp khả năng Lubitz vô tình nhấn phải nút hạ độ cao.
Động cơ của cơ phó vẫn là một bí ẩn.
Cũng theo công tố viên nói trên, tại thời điểm này chưa có chỉ dấu về hành vi khủng bố trong vụ rơi máy bay này. Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere cũng khẳng định như vậy.
Các điều tra viên vào hôm 26/3 đã lục soát nhà riêng của Lubitz ở thị trấn Montabaur, nơi anh ta sống cùng cha mẹ, cũng như căn hộ mà anh này dùng khi làm việc ở trung tâm Duesseldorf của hãng Germangwings.
Giám đốc Lufthansa, Carsten Spohr, choáng về vụ việc này. Ông cho biết, không có chỉ dấu dù là nhỏ nhất về điều gì có thể dẫn tới hành động của Lubitz.
Viên cơ phó đã vượt qua tất cả các cuộc kiểm tra tâm lý cần thiết cho công tác huấn luyện. Spohr khẳng định tại một cuộc họp báo: “Cậu ấy hoàn toàn đủ điều kiện để lái máy bay”.
Trong khi đó ở thị trấn Haltern, nơi vừa mất đi 16 học sinh và 2 giáo viên trong vụ rơi máy bay, các tiết lộ về vụ khóa buồng lái đã gây sốc và tức giận.
Thị trưởng Bodo Klimpel nói: “Mất người thân yêu do tai nạn là đã buồn lắm rồi. Nay lại biết có kẻ cố tình gây tai nạn thì nỗi buồn đau nhân lên nhiều nữa”.
Trong khi đó hiệu trưởng của ngôi trường có các học sinh tử nạn, Ulrich Wessel, phẫn nộ về việc “một vụ tử tự cá nhân kéo theo cái chết của 149 người khác”.
Thay đổi về chính sách buồng lái
Trong những phản ứng đầu tiên trước thảm họa hàng không này, Canada đã chỉ thị cho các hãng hàng không ngay lập tức phải liên tục để 2 người trong buồng lái. Các hãng hàng không khác của Anh, Na Uy và Iceland cũng đưa ra các thông báo tương tự.
Trong khi đó, các gia đình và bạn bè nạn nhân đã tụ tập gần khu vực xảy ra tai nạn máy bay ở dãy Alps, nơi người dân địa phương đã mở cửa nhà mình để bày tỏ sự đoàn kết.
Hai chiếc phi cơ Lufthansa đã chở người thân nạn nhân từ Barcelona và Dusseldorf tới Pháp.
Người ta đã dựng lều cho những thân nhân này để lấy mẫu ADN của họ phục vụ việc nhận diện thi thể các nạn nhân, gồm ít nhất 50 người Tây Ban Nha và 75 người Đức.
Giới chức và cảnh sát đã giữ không cho truyền thông lại gần để bảo vệ sự riêng tư cho các thân nhân.
Thi thể các nạn nhân nằm rải rác trên các sườn núi đang được trực thăng đưa tới khu vực gần đó.
Địa điểm rơi máy bay nằm ở độ cao 1.500m, chỉ tiếp cận được bằng trực thăng hoặc leo bộ rất khó khăn.
Chiếc hộp đen thứ 2 ghi lại dữ liệu chuyến bay chưa được tìm thấy./.