Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm qua (22/5) đã tiến thêm một bước hướng tới việc tăng cường quyền hạn của Tổng thống khi bổ nhiệm ông Binali Yildirim, một trong những nhân vật thân cận của mình, làm Thủ tướng mới của nước này, đứng ra thành lập chính phủ.
Tại đại hội bất thường của đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra hôm qua (22/5), ông Binali Yildirim, 60 tuổi, hiện giữ chức Bộ trưởng Giao thông đã được bầu làm Chủ tịch đảng.
Theo quy định, điều này cũng đồng nghĩa với việc ông Yildirim sẽ trở thành tân Thủ tướng của Thổ Nhĩ Kỳ và có trọng trách đứng ra thành lập Chính phủ mới. Việc bổ nhiệm này không hề gây bất ngờ, bởi trước đó, đảng Công lý và Phát triển cầm quyền đã thông báo, ông Yildirim sẽ là ứng cử viên duy nhất cho chức vụ này và vì thế cuộc bỏ phiếu hôm qua chỉ mang tính hình thức.
Như vậy, ông Yildirim đã trở thành Chủ tịch thứ 3 của đảng Công lý và Phát triển cầm quyền kể từ khi đảng này thành lập năm 2002 và sẽ là người kế nhiệm ông Ahmet Davutoglu, người thông báo từ chức Thủ tướng hồi đầu tháng này, trong bối cảnh xuất hiện nhiều thông tin về mối quan hệ rạn nứt giữa ông với Tổng thống Erdogan. Có thể nói, sau khi thúc đẩy Quốc hội thông qua dự luật tước quyền miễn trừ đối với nhiều nghị sĩ hồi cuối tuần qua, thì với việc bổ nhiệm một nhân vật thân cận làm Thủ tướng, Tổng thống Erdogan đang tiến gần hơn tới việc cải cách hiến pháp trao cho Tổng thống – vị trí vốn lâu nay vẫn chỉ mang tính nghi thức trong đời sống chính trị Thổ Nhĩ Kỳ nhiều quyền hạn hơn.
Bởi, thực tế là hiện nay, đảng Công lý và Phát triển cầm quyền của ông Erdogan không chiếm đa số 2/3 cần thiết tại Quốc hội để có thể thông qua những cải cách hiến pháp liên quan tới vai trò của Tổng thống.
Được xem là người đồng hành chính trị của Tổng thống, tại Đại hội đảng Công lý và Phát triển cầm quyền diễn ra hôm qua, ông Binali Yildirim đã một lần nữa khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ cần một Hiến pháp mới: “Điều quan trọng nhất mà tôi phải làm lúc này đó là hợp thức hóa tình hình chính trị hiện nay và chấm dứt những quan niệm mơ hồ. Một hiến pháp mới và một thể chế Tổng thống cầm quyền là con đường để làm được điều này”.Thủ tướng tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết sẽ tiếp tục chính sách của Tổng thống Erdogan, đặc biệt là trong việc hối thúc Liên minh châu Âu chấm dứt "cách tiếp cận mơ hồ" về việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh một số nhà lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về khả năng này.
Ông Yildirim nói: “Liên quan tới chính sách đối ngoại, dù có trở thành thành viên của Liên minh châu Âu hay không, thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ vẫn tiếp tục tiến hành những thay đổi cần thiết để thúc đẩy nền dân chủ, nhân quyền và tự do, đây cũng chính là những gì mà chúng ta đã và vẫn đang làm”.Vấn đề gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một trong những khúc mắc chính giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu sau khi hai bên đạt được thỏa thuận về vấn đề nhập cư hồi tháng 3 vừa qua và cũng là một trong những bất đồng chính trị lớn giữa Tổng thống Erdogan và Thủ tướng Davutoglu.
Văn kiện đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ, bởi Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối sửa đổi luật chống khủng bố để phù hợp với các tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu, đồng thời hối thúc khối này nhanh chóng thực hiện việc miễn thị thực cho công dân nước này muốn vào Không gian tự do đi lại Schengen.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã thẳng thắn tuyên bố không chấp nhận bất kỳ yêu cầu sửa đổi nào liên quan tới luật chống khủng bố, khiến các cuộc đàm phán về vấn đề này lâm vào bế tắc và đặt thỏa thuận mà Liên minh châu Âu khó khăn lắm mới đạt được với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề nhập cư đứng trước nguy cơ tan vỡ./.