Tây Ban Nha có lẽ là nước chịu ảnh hưởng chính trị tức thì nhất trong Liên minh châu Âu từ việc Anh rời bỏ mái nhà chung châu Âu.

spain_electiones_2016_gbgz.jpg
Lá phiếu của cử tri Tây Ban Nha sẽ bị tác động rất nhiều từ kết quả Brexit. Ảnh AP

Sau cuộc bầu cử hồi tháng 12/2015 với việc không đảng nào hội đủ đa số phiếu để thành lập Chính phủ dẫn đến việc người dân Tây Bản Nha phải tiếp tục đi bầu cử, kết quả cuộc trưng cầu ý dân tại Anh vừa qua cũng đang tác động đáng kể tới lá phiếu của cử tri trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra ngày 26/6.

Dư luận cho rằng, điều mà họ cần nhất lúc này là sự ổn định cho đất nước: “Đối với tôi, một kết quả bầu cử tốt sẽ mang đến sự thay đổi hiệu quả cho đất nước. Đó phải là một sự thay đổi không mang tính cực đoan, rời xa xu hướng chung.

Đó không phải là kết quả bầu cử như kết quả cuộc trưng cầu ý dân mà chúng tôi vừa thấy tại Anh, được xem là sẽ tạo thêm nhiều bất ổn. Thay đổi là cần thiết song phải hợp lý”.

Lo ngại trước tâm lý xáo trộn của cử tri, quyền Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã lên tiếng kêu gọi cử tri sáng suốt lựa chọn một chính phủ đủ mạnh để ổn định tình hình đất nước trước những sóng gió khi con thuyền nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu.

“Bây giờ tất cả người dân châu Âu phải xử lý việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Đây là một quyết định có tầm ảnh hưởng đáng kể và đáng buồn nhất mà tôi từng chứng kiến trong cuộc đời chính trị của mình.

Song để xử lý nó một cách thỏa đáng, để bảo vệ lợi ích của châu Âu, để tiếp tục tiến trình hội nhập, để bảo vệ những mong mỏi và nguyện vọng của người dân Tây Ban Nha, chúng ta cần có một chính phủ vững mạnh, có trí tuệ, có khả năng đương đầu với những thách thức kinh tế và có thể thể hiện được điều đó qua hành động”, ông Rajoy nói.

Đây là cuộc bầu cử thứ 2 tại Tây Ban Nha trong vòng chưa đầy 6 tháng qua. Theo các cuộc thăm do trước bầu cử, đảng Nhân dân của ông Rajoy sẽ tiếp tục giành được nhiều phiếu nhất song vẫn không hội đủ số phiếu cần thiết để tự đứng ra thành lập Chính phủ độc lập.

Tây Ban Nha lún sâu trong những bế tắc chính trị suốt hơn 5 tháng qua kể từ sau cuộc bầu cử quốc hội ngày 20/12/2015 mà không có đảng nào chiếm đa số ghế và cũng không đảng nào có khả năng tập hợp được sự ủng hộ để có thể đứng ra thành lập chính phủ mới.

Đàm phán nhằm thành lập chính phủ liên minh kéo dài giữa đảng Nhân dân, đảng Xã hội (PSOE), đảng Chúng ta có thể và đảng Công dân đã kết thúc vào tháng 5 vừa qua mà không đạt kết quả nào, dẫn đến việc nước này phải tổ chức bầu cử lại./.