Giới chức Ukraine cho biết, tính cả vụ tấn công mới nhất ngày 11/4, đã có tổng cộng 27 binh sĩ nước này thiệt mạng tại chiến trường miền Đông kể từ đầu năm.
Các vụ đụng độ giữa 2 bên đã khiến căng thẳng ở miền Đông Ukraine không ngừng gia tăng. Chính phủ Ukraine và các phe ly khai miền Đông đã đổ lỗi cho nhau về những căng thẳng này. Cuối tuần qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc chính phủ Ukraine có những “hành động khiêu khích nguy hiểm” ở khu vực Donbass, nhằm vào lực lượng ly khai. Tuyên bố của Tổng thống Nga được đưa ra sau khi truyền thông dẫn một số tin cho rằng, Ukraine có thể chuẩn bị tấn công vũ trang để giành quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ tại Donbass.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng khẳng định, Moscow sẽ không “thờ ơ và thụ động” với số phận của những người nói tiếng Nga sống ở khu vực Đông Nam quốc gia láng giềng. Trên thực tế, những tuần qua, Nga đã điều thêm binh sĩ và các khí tài quân sự tới bán đảo Crimea và các khu vực biên giới tiếp giáp với Ukraine – động thái mà Nga cho là “hành động phù hợp” với tình hình hiện tại, song khẳng định không đe dọa bất kỳ ai. Theo truyền thông, hiện Nga có khoảng 85.000 binh sĩ tại các khu vực này.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 11/4 cũng xác nhận, hiện số lượng binh sĩ Nga ở gần biên giới Ukraine đang là lớn nhất kể từ năm 2014 – thời điểm xảy ra cuộc xung đột miền Đông quốc gia láng giềng này. Ông Blinken đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về bước đi này, đồng thời yêu cầu Nga giải thích về vụ việc. Theo nhà ngoại giao Mỹ, nước này đang liên hệ chặt chẽ với các đồng minh và đối tác châu Âu về căng thẳng miền Đông Ukraine.
Dự kiến, trong tuần này, ông Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ tới Brussel, Bỉ, để gặp gỡ các lãnh đạo châu Âu, trong đó vấn đề Ukraine là một nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự.
Hiện cả Nga và chính phủ Ukraine đều khẳng định, sẽ không khơi mào cho bất kỳ cuộc xung đột hay chiến tranh. Quân đội Ukraine đã bác bỏ khả năng tấn công quân sự Donbass, với nhận định rằng 1 cuộc tấn công như vậy sẽ khiến nhiều binh sĩ và dân thường thiệt mạng. Tuy nhiên, nguy cơ xung đột vẫn tiềm ẩn bởi cảnh báo “không thờ ơ” của phía Nga cũng như cảnh báo sẽ “đáp trả” từ phía Ukraine nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Thế giới liên tục kêu gọi hạ nhiệt tình hình căng thẳng tại miền Đông Ukraine. Sau chuyến thăm của Tổng thống Ukraine tới Thổ Nhĩ Kỳ và cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin; Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã kêu gọi các bên tìm kiếm đối thoại.
“Chúng tôi đã thảo luận về tình hình căng thẳng ở Donbass với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Vấn đề này chúng tôi cũng đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Vì tương lai hòa bình và ổn định an ninh của khu vực, chúng tôi muốn cả hai bên giải quyết những bất đồng giữa họ càng sớm càng tốt, thông qua đàm phán hòa bình. Chúng tôi đang nỗ lực hướng tới điều này”, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Nga Dmitry Peskov, một số điều kiện được nêu trong các thỏa thuận hòa bình Minsk về vấn đề miền Đông Ukraine phải được đáp ứng trước khi có thể xúc tiến một vòng hòa đàm tiềm năng theo định dạng Normandy./.