Ngày 8/1, tại nhiều nơi trên thế giới đã diễn ra các cuộc biểu tình để phản đối vụ tấn công cũng như thể hiện tình đoàn kết với nước Pháp. 

Tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản rất đông người dân Pháp tập trung trước cửa Đại sứ quán Pháp để tham gia lễ tưởng niệm các nạn nhân và thể hiện tình đoàn kết với nước Pháp. 

duc_ytnq.jpgNgười dân Đức tập trung tại Cổng Brandenburg để tưởng nhớ các nạn nhân vụ tấn công tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo (Ảnh AP)

Theo Đại sứ Pháp Thierry Dana, người dân tập trung ở đây để cho thấy, toàn thế giới giới cần phải đoàn kết chống lại những vụ tấn công như thế này. 

 “Cũng giống như tất cả người dân trên khắp thế giới, chúng tôi ở đây để thể hiện tình đoàn kết. Từ Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, tới các đối tác chính và đồng minh của Pháp đều đang cho thấy sự ủng hộ và đoàn kết với nước Pháp”, ông Dana nói. 

Trong khi đó, tại Mỹ, bất chấp thời tiết giá lạnh, hàng trăm người biểu tình đã tập trung tại thành phố New York để phản đối vụ tấn công nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo. 

Tất cả người biểu tình đều mang theo biểu ngữ “Tôi là Charlie” và cất cao lời hát “Chúng tôi không sợ, chúng tôi là Charlie, chúng tôi tự do”. 

Có lúc, người biểu tình thắp nến và đứng trong yên lặng để cầu nguyện cho các nạn nhân, có lúc lại hát vang bài quốc ca của Pháp và thể hiện sự tức giận trước vụ tấn công khủng bố này. 

Anh Eugenie Pegeonier, một người sinh ra tại Pháp, nhưng hiện đang sống ở thành phố New York nói: “Cái chết của họ là không công bằng. Họ đã làm việc trên sự thẳng thắn và chân thành, thể hiện suy nghĩ của mình. Và giờ chúng tôi ở đây để thể hiện sự tức giận của mình và để cầu nguyện cho những người đã chết vì dám thể hiện suy nghĩ của mình. Chúng tôi luôn ủng hộ họ”. 

Ông Patrich Smith, một người dân New York cho biết, ông từng sống chung với một người Pháp và thấy cần phải có mặt ở đây để thể hiện sự ủng hộ với nước Pháp. 

“Đây là một thảm kịch và nó đã vượt biên giới của một quốc gia. Đây là sự tấn công nhằm vào quyền tự do ngôn luận, cũng như nhằm vào một giá trị của cuộc sống”, ông Smith nói. 

Cũng trong ngày 8/1, biểu tình đã diễn ra tại nhiều nước như Anh, Đức, Bỉ, Brazil… để phản đối vụ tấn công và thể hiện sự đoàn kết với nước Pháp và những người làm báo. 

Vụ xả súng tại tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo ngày 7/1 là vụ tấn công đẫm máu nhất trong vòng bốn thập kỷ qua tại Paris. Số nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công này là 12 người. Chính phủ Pháp cho biết, một số người đã bị bắt giữ để điều tra./.