Bà Elena Duggar, Giám đốc điều hành tại Moody cho rằng, biến thể Omicron mang rủi ro ảnh hưởng tới tăng trưởng toàn cầu và lạm phát, đặc biệt là trong bối cảnh các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, lạm phát tăng cao và thiếu lao động. Cũng theo bà Elena Duggar, nếu biến thể này ảnh hưởng tới thị trường toàn cầu, điều này sẽ tạo ra căng thẳng tài chính cho các tổ chức cho vay khi nhu cầu tài chính tăng mạnh.

Trong khi đó, công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch cho rằng hiện còn quá sớm để có thể dự báo các ảnh hưởng cụ thể của biến thể Omicron đối với tăng trưởng kinh tế cho tới khi mức độ lây lan và mức độ nghiêm trọng của biến thể này được xác định. Theo công ty này, khả năng suy thoái kinh tế giống như trong nửa đầu năm 2020 là không cao, tuy nhiên, lạm phát gia tăng sẽ gây khó khăn cho các giải pháp ứng phó kinh tế vĩ mô nếu biến thể mới trở nên mạnh hơn.  

Một loạt các quốc gia đã đóng cửa biên giới từ ngày 29/11 và điều này đã phủ bóng đen lên các nỗ lực phục hồi kinh tế sau hai năm đại dịch Covid-19. Các hãng hàng không lớn đã hành động nhanh chóng bằng cách ngừng các chuyến bay từ các nước ở miền Nam châu Phi với lo ngại sự lây lan của biến thể Omicron sẽ kích hoạt các hạn chế từ các điểm đến khác ngoài các khu vực đang bị ảnh hưởng.

Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi người dân Mỹ không hoảng loạn trước Omicron và cho biết chính quyền của ông đang phối hợp với các công ty dược phẩm Mỹ để chuẩn bị các kế hoạch dự phòng nếu các loại vaccine mới được cần tới. Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh, Mỹ sẽ không áp dụng các biện pháp phong tỏa trong mùa Đông này đồng thời kêu gọi người dân tiêm phòng, tiêm bổ sung và tiếp tục sử dụng khẩu trang.  

Bà Elena Duggar, Giám đốc điều hành tại Moody cho biết nếu biến thể mới dẫn tới một làn sóng lây nhiễm mới, các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất sẽ là các nước có tỷ lệ tiêm phòng thấp, phụ thuộc nhiều vào du lịch và không có năng lực cao trong việc đưa ra hỗ trợ chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm khắc phục các ảnh hưởng đối với tăng trưởng do làn sóng lây nhiễm mới gây ra./.