Cuộc bầu cử lần này được cho là cuộc bầu cử có nhiều thách thức nhất đối với đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong suốt 16 năm cầm quyền của ông.
Ảnh minh họa: Reuters
Theo đánh giá của giới chuyên gia, đây là lần đầu tiên trong lịch sử bầu cử của Thổ Nhĩ Kỳ, phe đối lập gồm các chính trị gia theo đường lối thế tục, dân tộc, Hồi giáo và người Kurd lại có những quan điểm thống nhất với nhau như hiện nay. Điều này tại ra thách thức lớn hơn so với thời điểm Tổng thống Erdogan kêu gọi bầu cử sớm vào tháng 4 vừa qua.
Theo các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử, Tổng thống Erdogan vẫn là ứng cử viên mạnh nhất và vẫn có thể giành được chiến thắng. Tuy nhiên, ông khó có cơ hội dành được hơn 50% số phiếu cần thiết để tránh một cuộc bầu cử vòng hai diễn ra vào ngày 8/7, trong khi Đảng Công lý và Phát triển của ông cũng có khả năng bị mất đa số ghế tại Quốc hội.
Khi đó, kịch bản chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là ông Erdogan có thể trở tiếp tục trở thành Tổng thống nhưng phe đối lập sẽ kiểm soát Quốc hội. Các cuộc tranh cử tuần này cho thấy, đương kim Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí có thể phải tìm kiếm một chính phủ liên minh nếu giành thắng lợi.
Nếu giành chiến thắng, ông Erdogan sẽ mở ra một kỷ nguyên mới về chính trị cho Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó đáng chú ý là những thay đổi mạnh mẽ về quyền hạn của Tổng thống.
Các nhà phân tích cho rằng, việc xóa bỏ vai trò của Thủ tướng, Tổng thống có quyền giải tán Quốc hội, tăng số lượng thẩm phán được bổ nhiệm hay ban bố tình trạng khẩn cấp có thể làm suy yếu và mất cân bằng về quản trị tại Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này cũng có thể khiến cho ông Erdogan mất thêm nhiều phiếu trong cuộc bầu cử./.