Cuộc biểu tình diễn ra ngày 11/8, tức là tròn một năm vụ cảnh sát da trắng bắn chết một thanh niên da đen không có vũ trang.

bat_giu_eqhz.jpg
Một thanh niên da màu bị cảnh sát Ferguson bắt giữ do có hành vi bạo lực trong quá trình tham gia biểu tình. Ảnh AFP

Tình trạng khẩn cấp tiếp tục được duy trì tại thị trấn từng là tâm điểm của làn sóng biểu tình trên cả nước Mỹ phản đối cách hành xử mang tính phân biệt chủng tộc của lực lượng cảnh sát.

Thông báo của lực lượng thực thi luật phát tại thị trấn Ferguson cho biết, trong số những người bị bắt giữ trong vài ngày qua có 22 người bị bắt giữ do vi phạm lệnh về tình trạng khẩn cấp ban hành từ tối 10/8, ngoài ra có 63 người bị bắt do tìm cách phong tỏa một tuyến đường cao tốc và 57 người bị bắt do biểu tình vượt qua hệ thống hàng rào an ninh được dựng lên xung quanh một tòa án ở thành phố St. Louis.

Trong khi đó, tình trạng khẩn cấp tiếp tục được duy trì tại Ferguson nhân dịp tròn một năm cảnh sát da trắng Darren Wilson ngày 9/8 năm ngoái cố tình bắn chết thanh niên da đen không vũ trang Michael Brown vì một số cuộc biểu tình trong vài ngày qua đã biến thành bạo động với các vụ nổ súng, ném đá và chai lọ vào lực lượng cảnh sát.

Ông Colin Ashley, một trong những cư dân Ferguson tham gia biểu tình cho biết, người dân các sắc tộc thiểu số thị trấn này nói riêng và nhiều thành phố khác trên khắp nước Mỹ vẫn bất bình và thất vọng vì trong một năm qua, dù đã có những biện pháp của chính phủ liên bang, nhưng mối quan hệ giữa lực lượng cảnh sát, chủ yếu là da trắng, với các cộng đồng thiểu số, nhất là cộng đồng người da đen, vẫn chưa được cải thiện.

"Chúng tôi vẫn còn tức giận và thất vọng. Ngay cả sau một năm, tình trạng bạo lực của cảnh sát nhằm vào người da đen và người da màu vẫn tăng lên. Điều này khiến mọi người tức giận. Những giải pháp hiện nay vẫn chưa đủ để giải quyết nạn phân biệt chủng tộc đối với người da đen và da màu”, ông Ashley nói.

Nguy cơ bùng phát tình trạng biểu tình bạo loạn tại Ferguson càng lớn khi ngày 10/8 các thẩm phán tại thành phố St. Louis đã sơ bộ cáo buộc 10 tội danh đối với Tyrone Harris, 18 tuổi, bạn thân của Michael Brown, trong đó có 4 tội tấn công lực lượng thực thi luật pháp. Tyrone Harris hiện vẫn đang trong tình trạng nguy kịch do bị bắn trọng thương trong vụ đấu súng với cảnh sát tối 9/8 vừa qua.

Như vậy, tròn 1 năm trôi qua kể từ vụ viên cảnh sát da trắng bắn chết chàng thanh niên da màu 18 tuổi tại thị trấn Ferguson, hố sâu kỳ thị chủng tộc tại Mỹ chẳng những không được lấp đầy mà còn bị đào sâu thêm.

Vụ thanh niên da màu Michael Brown bị bắn chết, rồi đến Tyrone Harris bị bắn trọng thương… chỉ là những giọt nước làm tràn ly nỗi bức xúc, phẫn nộ lâu nay trong cộng đồng da màu tại Mỹ về tình trạng kỳ thị chủng tộc ở quốc gia này.

Điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ sau vụ Michael Brown bị bắn chết cho thấy, Sở Cảnh sát thị trấn Ferguson thường xuyên có các hành vi phân biệt đối xử với người da màu.

Theo thống kê, người da màu chiếm 67% cư dân Ferguson nhưng lại có tới 93% các vụ bắt bớ liên quan đến những người này, hay tỷ lệ này trong các vụ kiểm tra giao thông là 85% và vé phạt vi phạm luật lệ giao thông là 90%...

Kết quả điều tra khác công bố hồi tháng 4 vừa qua cho thấy, trong xã hội Mỹ hiện nay, cộng đồng thiểu số người da màu và gốc Mỹ Latinh ngày càng thua thiệt về kinh tế và việc làm nhiều hơn so với người da trắng.

Đa số người da màu cho rằng, sắc tộc là nguyên nhân chính khiến họ ngày càng bị thua thiệt trong xã hội Mỹ. Ngay cả Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ Barack Obama cũng từng thừa nhận có sự bất bình đẳng và xu hướng này đang tăng lên trong xã hội Mỹ./.