Kể từ ngày 1/9 tới Ba Lan sẽ áp dụng mức phí tái chế bắt buộc đối với hầu hết các sản phẩm là túi nilon nhằm hạn chế người tiêu dùng sử dụng túi nilon và khuyến khích họ thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường

plastic_bag_udwj.jpeg
Trung bình một người Ba Lan sử dụng tới 300 túi nilon một năm (Ảnh: PAP)

Bộ trưởng Môi trường Henryk Kowalczyk ngày 21/8 cho biết theo Luật xử lý chất thải có hiệu lực từ đầu năm 2018, phí tái chế được áp dụng cho tất cả các túi nilon có độ dày từ 15 tới 50 micromet, ngoại trừ túi nilon siêu nhẹ hay màng bọc thực phẩm. Tuy nhiên, các siêu thị đã tìm cách lách luật khi cung cấp các túi nilon có độ dày trên 50 micromet cho khách hàng, làm thất thu một khoản cho ngân sách nhà nước.

Thừa nhận việc thực hiện luật hiện nay không đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, Bộ trưởng Kowalczyk nói rằng luật sửa đổi sẽ thắt chặt hơn tiêu chí sử dụng túi nilon trong tiêu dùng. Theo đó, kể từ ngày 1/9 tới mức phí 0,057EUR sẽ được áp dụng cho tất cả các loại túi nilon, ngoại trừ các sản phẩm bằng nhựa siêu mỏng hay màng bọc thực phẩm.

Các nhà làm luật cho rằng qua kinh nghiệm của một số nước trong Liên minh châu Âu như Anh, Bulgari, Latvia, Hungary cho thấy kể từ khi phí tái chế được áp dụng, số lượng người tiêu dùng sử dụng túi nilon đã giảm đi rõ rệt và nhu cầu cho việc sử dụng túi thân thiện môi trường tăng lên đáng kể. Họ hy vọng luật mới tại Ba Lan sẽ nâng cao hơn ý thức người tiêu dùng về tác hại của các sản phẩm làm bằng nilon đối với môi trường sống, đồng thời khuyến khích họ lựa chọn các sản phẩm bằng chất liệu khác thân thiện môi trường.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, luật mới sẽ giúp ngân sách của Ba Lan có thêm 14,6 triệu EUR năm nay và 325 triệu EUR năm tới. Hiện trung bình một người dân Ba Lan sử dụng khoảng 300 túi nilon một năm./.